Người mỹ tốt

VOA: Khái niệm quyền lực mềm nên hiểu như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Joseph Nye: Quyền lực nói chung là khả năng tác động tới người khác để đạt được điều mình muốn. Việc đó có thể thực hiện qua ba cách: ép buộc, đe dọa; dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất theo phương pháp ‘cây gậy và củ cà rốt’; và hấp dẫn, thu hút người khác. Yếu tố cuối cùng tôi vừa nói chính là ‘quyền lực mềm’, tức là đạt được điều bạn muốn thông qua việc hấp dẫn, thu hút, thay vì ép buộc và dụ dỗ người khác.

VOA: Theo nhận định của giáo sư, quyền lực mềm của Việt Nam bao gồm những gì?

Giáo sư Joseph Nye:
Sự tranh đấu và gìn giữ độc lập cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển đất nước của Việt Nam là một câu chuyện hấp dẫn, là quyền lực mềm. Ngoài ra, sự thu hút còn nằm ở nền văn hóa, truyền thống của đất nước, mà ví dụ điển hình là ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao khắp nơi thế giới. Tôi nghĩ câu hỏi mấu chốt  mà Việt Nam phải trả lời trong tương lai là, nước này làm thế nào để phát triển các câu chuyện cùng nền văn hóa riêng có đó để trở nên hấp dẫn và thu hút hơn nữa.

VOA:
Vậy người dân đóng vai trò như thế nào trong việc củng cố quyền lực này, thưa ông?

Giáo sư Joseph Nye:
Tôi cho rằng bản thân chuyện người dân Việt Nam làm việc và củng cố tỷ lệ tăng trưởng, mang lại câu chuyện kinh tế thành công cho đất nước, đã và đang thu hút người dân các quốc gia khác tới Việt Nam. Ngoài ra, việc người dân đóng góp ý kiến trong các lĩnh vực họ có thể lên tiếng cũng sẽ giúp đất nước trở nên hấp dẫn.

VOA:
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền từng lên tiếng cho rằng ‘Việt Nam giới hạn tự do ngôn luận’. Vậy điều đó có ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Việt Nam không?

Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ việc giới hạn quyền tự do ngôn luận ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Việt Nam. Điều này cũng giống với Trung Quốc. Chủ tịch nước này, ông Hồ Cẩm Đào, từng nói trước Đại hội Đảng lần thứ 17 rằng Trung Quốc cần phát triển quyền lực mềm. Trên thực tế, đất nước đông dân nhất thế giới đã tiến hành điều này thông qua những hoạt động như Thế vận hội Bắc Kinh hay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Nhưng khi Trung Quốc tống giam những người bày tỏ quan điểm trái chiều hay các luật sư lên tiếng bảo vệ thân chủ của mình, điều đó gây tác hại tới các câu chuyện thành công của Trung Quốc cũng như hình ảnh của nước này trên trường quốc tế. Tôi nghĩ Việt Nam đối mặt với tình thế tương tự như Trung Quốc.

VOA:
Liệu tình hình đó có sớm thay đổi không, thưa ông?

Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ rằng việc chính phủ nới lỏng hơn (quyền tự do ngôn luận) sẽ giúp giảm bớt các tác động tiêu cực đối với quyền lực mềm. Khi tôi tới Bắc Kinh, tôi được giới hữu trách tham vấn về việc tăng cường quyền lực mềm, tôi nói với họ rằng hãy gia tăng việc đa dạng hóa ý kiến, và đừng quan ngại về các ý kiến khác biệt.

Lấy ví dụ ngành công nghiệp phim của Ấn Độ và Trung Quốc. Toàn thế giới người ta xem phim Bollywood sản xuất ở Ấn Độ, nhưng không nhiều từ Trung Quốc, không phải vì nước này không có các nhà làm phim tài giỏi, mà bởi vì chính phủ Ấn Độ không kiểm duyệt phim của nước này, trong khi chính quyền Bắc Kinh lại hành động như vậy. Việt Nam có một số vấn đề tương tự như Trung Quốc, dù tôi nghĩ Việt Nam đang có những bước tiến triển.

VOA: Báo chí trong nước đưa tin, ông đã gặp các giới chức cao cấp ở Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm hồi tháng Giêng. Ông có đưa ra lời khuyên nào đối với họ không?

Giáo sư Joseph Nye:
Các giới chức tôi gặp ở Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi có cảm giác họ hướng về phía trước và mong muốn đưa Việt Nam phát triển. Trong các cuộc gặp đó, tôi bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam có thể tạo ra một câu chuyện cuốn hút người khác, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu. Thay vì là  một phần của Nhóm G77, và lên tiếng lặp lại những gì các nước khác nói, tôi cho rằng Việt Nam có thể tuyên bố rằng vì quyền lợi của mình, Việt Nam muốn đi đầu một nhóm nước muốn nghiêm túc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Rốt cuộc, Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nước biển dâng cao hay đồng bằng sông Mekong bị xâm mặn. Việt Nam có thể hành động vì quyền lợi của mình thông qua việc đi đầu trong quá trình chống lại tình trạng biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ. Như vậy, nước này có thể tăng cường sự hấp dẫn trong các câu chuyện của mình thông qua vấn đề biến đổi khí hậu.

VOA: Theo báo điện tử VietNamNet, tranh chấp ở biển Đông cũng là một phần trao đổi trong các cuộc gặp đó. Quan điểm của ông về chủ đề này?

Giáo sư Joseph Nye: Trung Quốc đã gây sức ép, buộc Việt Nam phải chấp nhận tuyên bố về ranh giới trên khu vực biển Đông, và Hà Nội đã lên tiếng phản đối điều này. Vì Trung Quốc luôn là nước lớn hơn so với Việt Nam, nên điều Việt Nam cần làm là thu hút sự chú ý của các nước khác như các thành viên của khối ASEAN (tức Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á), hay những quốc gia ngoài khối này, vốn cho rằng quan điểm của Việt Nam là đúng đắn. Về cơ bản, Việt Nam có thể thu hút các nước khác bằng quyền lực mềm của mình, và điều đó sẽ khiến Trung Quốc khó có thể bắt nạt Việt Nam.

VOA: Ông đề cập tới ASEAN, nhưng có ý kiến cho rằng các thành viên trong tổ chức này không thực sự mạnh mẽ trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Ông đánh giá như thế nào?

Giáo sư Joseph Nye: Đúng, tôi cho rằng ASEAN không mạnh mẽ như tôi kỳ vọng, nhưng đó là một nơi Việt Nam có thể bắt đầu phối hợp các chính sách ngoại giao của mình, vì Hà Nội sẽ đóng vai trò lớn hơn trong khối này.

VOA:
Thưa ông, Trung Quốc đã có những biện pháp tăng cường quyền lực mềm cụ thể nào, nhất là đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Giáo sư Joseph Nye:
Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp tăng cường quyền lực mềm của mình như thành lập các viện Khổng giáo nhằm thúc đẩy nền văn hóa của mình. Nước này cũng gia tăng phát sóng đài quốc tế và tăng số sinh viên nước ngoài tới du học ở Trung Quốc. Tôi nghĩ nhiều biện pháp tăng cường quyền lực mềm của họ đã thành công. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế tạo nhiều ấn tượng, những bước đi đó đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm, nhưng vẫn tiếp tục vấp phải khó khăn do tự giẫm lên chân mình, khi bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền hay tống giam các luật sự đại diện các nhóm khác nhau ở nước này.  Điều đó gây ấn tượng xấu đối với các nước khác trên thế giới, và tác động tới sức hấp dẫn của Trung Quốc.

VOA: Nói một cách cụ thể, tác động của quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam ra sao, thưa giáo sư?

Giáo sư Joseph Nye: Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Khổng giáo, trong một thời gian dài. Ngoài ra, Trung Quốc còn nỗ lực tác động tư tưởng của mình. Người Trung Quốc cho rằng quá trình thích nghi của Đảng Cộng sản trong khi thực thi nền kinh tế thị trường là điều hấp dẫn đối với Việt Nam.

VOA: Trong trường hợp của Hoa Kỳ thì như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam bị hấp dẫn bởi thực tế rằng Hoa Kỳ duy trì đa dạng quan điểm trong xã hội. Điều gây ngạc nhiên đối với tôi là sự tha thứ của người dân Việt Nam mà tôi gặp đối với người Mỹ vì sai lầm lớn của chúng tôi trong Chiến tranh Việt Nam. Việc một số người dân nghĩ rằng Hoa Kỳ sẵn lòng ra tay giúp đỡ Việt Nam cũng giúp nước Mỹ trở nên hấp dẫn.

VOA: Ông nói tới vai trò của người dân trong nước đối với việc củng cố quyền lực mềm của Việt Nam, vậy sự đóng góp của cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài, như ở Mỹ, chẳng hạn, nên được nhìn nhận ra sao?

Giáo sư Joseph Nye: Nếu chúng ta đánh giá về vai trò của ngoại kiều nói chung trên thế giới, họ thường đóng góp vào quá trình tăng cường quyền lực mềm của quê hương mình. Chúng ta có thể thấy điều đó qua cộng đồng người Mỹ gốc Hàn hay gốc Ấn. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã có đóng góp lớn đối với Hoa Kỳ trong một thời gian tương đối ngắn kể từ khi họ đặt chân tới Hoa Kỳ. Điều đó giúp người bản xứ hiểu biết thêm về Việt Nam. Điển hình mới nhất là một chỉ huy tàu hải quân Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt đã trở lại thăm quê hương.

Đến đây cũng đã kết thúc chương trình ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này. Nguyễn Trung xin hẹn gặp lại Quý vị tuần sau. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’. Xin chân thành cám ơn.

Leave a comment

cộng sản là ai?

Một thánh kinh không có Chúa .

Cho nên người Kitô giáo có thể làm việc vói họ được.

Trần Hà Zhu

Leave a comment

CÓ PHẢI HOA THỊNH ĐỐN ĐÃ ĐƯA ÔNG DIỆM VỀ LÀM TỔNG THỐNG ĐỆ NHẤT CH VIỆT NAM? for My Father Trân thanh Chiêu

Không chuyên khoa sử, không giữ bất cứ một chức vụ nào suốt thời đại Việt Nam công hoà đệ nhất và đệ nhị, tôi không có tham vọng viết tài liệu để ghi vào Việt Nam quốc sử.  Nhưng tôi phải cầm bút, vì tôi từng có dịp sống thân mật bên cạnh Tổng thống Ngô đình Diệm từ năm 1951 cho đến khi ông chết thảm vào năm 1963. Ông Ngô là một nhà ái quốc, tận tuỵ vì dân nước, mà bình sinh gặp rất nhiều hạng người thuộc hắc đạo đã không biết nhận xét chân tướng của ông, và công trình xây dựng của ông, lại còn vu khống cho ông đủ mọi thứ tội ác, sau cùng đã giết ông một cách dã man, sau khi ông vô tội mà đành giơ tay đầu hàng để tránh cho dân Việt nhất là quân đội dưới quyền ông khỏi cảnh chém giết lẫn nhau. Chết rồi người ta vẫn không để ông an nghỉ. Tại Việt Nam họ đào mồ ông lên đem hài cốt từ Nghĩa địa Mạc đĩnh Chi lên tận Lái thiêu. Tại hải ngoại cũng như ở quốc nội, các nhà văn ít người phán đoán công bình, kết cục là thư viện khắp nơi trên thế giới chứa đầy ắp những tài liệu hoàn toàn bất lợi cho ông.

Từ trước tới nay, tôi im hơi lặng tiếng vì biết mình tài mọn, đành phải chờ đợi một ngày trời xanh mây tạnh,  những  người cao kiến hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi, vị trí trong xã hội và trong làng văn cao cả hơn tôi…, sẽ ra tay bênh vực ông Ngô đình Diệm…Nhưng tiếc thay cho tới bây giờ chỉ thấy mấy tờ báo chí ở hải ngoại (trong số có tờ Văn nghệ tiền phong),  và một nhóm khá nhỏ nhà chính trị, nhà văn, nhà giáo (trong đó có các ông Lâm lễ Trinh, Nguyễn văn Chức, Hoàng hải Thuỷ và  Tôn thất Thiện) dám hiên ngang đứng lên mà nói thẳng ra sự thực:  ông Ngô đình Diệm, tổng thống đệ nhất Việt Nam cộng hoà là một con người thành tâm yêu nước, tội ít mà công nhiều.

Núp sau trào lưu này, tôi bụng bảo dạ: Hay là chính mình cũng sẽ viết một cuốn hồi kí ghi lại những giai thoại mình biết về ông Ngô đình Diệm trải qua 12 năm kể từ năm 1951 cho tới năm 1963? Sách có thể đề là: “Tôi thương nhớ một ông bạn vong niên: Tổng thống Ngô đình Diệm”. Ở phần thứ hai hồi kí, tôi dự tính sẽ ghi lại những lưu niệm của một quan sát viên ở hậu trường, với tư cách là bằng hữu vong niên, khách quan theo rõi các hoạt động của Tổng thống Diệm sau năm 1954 . Trong phần này tôi có thể đưa ra nhiều chi tiết về sự thành công của chương trình dinh điền (Hố nai, Cái Sắn, Dốc Mơ); chương trình ấp chiến lược; các mối giao liên Cộng hoà Việt Nam với quốc tế; những cạm bẫy Cộng sản mượn diện tôn giáo mà buông kín xuống đầu ông Diệm qua Thượng toạ Thích trí Quang…Đặc biệt là cuộc hội kiến ngày 15 tháng 8 1963, có mặt Đúc Cha Ngô đình Thục và một chức sắc cao cấp Hoà Hảo mà tôi không nhớ tên (thiếu ông Nhu).  Hôm đó chúng tôi thảo luận về chính sách Hoa kì và Vatican, lại nói về những âm mưu đen tối của Đại sứ Cabot Lodge…Nhưng thiết tưởng mấy chuyện đó hoặc là dễ nhận xét, ai ai cũng thấy được; hoặc là đượm nặng mùi chính trị đảng phái, một linh mục như tôi cần tránh xa. Kết cục tôi quyết định chỉ viết ra phần thứ nhất:  kể sơ qua mấy hoạt động của Chí sĩ Ngô đình Diệm vào giai đoạn hơn hai năm ông lưu vong ở Hoa kì với hi vọng sẽ không chạm nọc ai, mà trái lại có thể trả lời câu hỏi: Có phải Mĩ đã đem Ông Ngô đình Diệm về Việt Nam thiết lập đệ nhất Cộng hoà hay không?

1 – Hai quỹ đạo (một ngôi sao sáng và một cục thiên thạch) gặp nhau

Danh tính ông Ngô đình Diệm vang lừng khắp sơn hà năm 1937, khi ông giũ bỏ áo mũ, từ chức Thượng thư Lại bộ vì bất mãn với chính phủ Bảo hộ nặng tay áp chế Nam triều. Tuy còn nhỏ tuổi (T.t. Diệm ra đời năm 1901, tôi năm 1920 ; niên canh hơn kém nhau gần hai con giáp theo tiểu chu kì – xem Giáp ở cuốn Từ điển Văn học Việt Nam TvKiệm sắp xuất bản) tôi cũng tò mò tìm hiểu  thêm. Câu phong dao bình dân trên cửa miệng trẻ con xứ Huế lúc ấy đã vang xa tới tận Ninh bình, Thanh hoá nơi tôi sống lúc bấy giờ: “Phế vua không Khả, đào mả không Bài”; Ông Khả là ai vậy? Ông Bài là ai vậy? Dần dần tôi mới hay: lưỡng vị  là hai bậc lương đống của Nam triều dưới triều vua Thành thái, cả hai theo Thiên Chúa giáo, và ông Nguyễn hữu Bài đã cực lực phản kháng mấy người Pháp manh tâm xúc phạm tới lăng mộ các vua Nguyễn để tìm vàng; và Ngô đình Khả đã dám lên tiếng bênh vực mấy vua nhà Nguyễn muốn đòi tự do. Té ra người theo Thiên Chúa giáo cũng giàu lòng yêu nước như ai, và cụ Khả là phụ thân ông Diệm!

Lớn lên, vào các năm 1945-1946, lúc đó tôi đang là sinh viện đã học hết các lớp thần học tại Thượng Kiệm, gần Phát Diệm, và sắp sửa làm linh mục, thì bất ngờ tôi có dịp giáp mặt Ông Bà Trần văn Chương và Ông Bà Ngô đình Nhu (bà Nhu là lệnh ái ông bà Chương). Cả hai gia đình từ đâu được Đức Giám mục Lê hữu Từ mời về “khu an toàn Phát diệm”, tức là một phần huyện Kim Sơn với Phát diệm là trung tâm. (Vào giai đoạn này Đức Cha Từ tuyên bố trung lập, không theo Pháp, không cần Việt Minh). Hai bà Chương và Nhu tá túc tại nhà dòng  Mến Thánh giá ở Lưu phương, còn hai ông Chương và Nhu thì sống với chúng tôi ở trường Thần học Thượng kiệm. Cho tới nay trí nhớ của tôi còn ghi rõ hình ảnh ông Nhu, ăn vận như tất cả các sinh viên khác trong trường, một mình đứng trầm ngâm dưới bóng một cây nhãn, mắt coi cá bơi lượn dưới mương: cá lặng lẽ, người lặng lẽ…

Năm 1950, tôi là linh mục hiệu trưởng sáng lập trường Trung học Trần Lục tại Phát diệm. Qua trung gian một linh mục Bỉ (cố Jacques Houssa), tôi được Đức Hồng y Francis Cardinal Spellman, tổng Giám mục giáo phận Nữu ước, đồng thời là Tổng Tuyên uý toàn thể quân đội Hoa kì, cấp cho một học bổng tại trường  Iona College, New Rochelle, N.Y. Tôi vội vã học tiếng Anh, căn cứ vào cuốn Anglais sans peine,  Vì đã biết sẵn La-tinh và Pháp ngữ, chỉ trong vòng mấy tháng tôi đã đọc trơn tru sách báo Anh Mĩ. Nhưng than ôi, không có radio, không có máy ghi âm, thì làm thế nào nói và nghe nổi một ngoại ngữ?

Tìm hộ chiếu còn khó khăn hơn. Vào giai đoạn này, bốn năm trước Điện biên phủ, người Pháp đã bắt đầu muốn trao thêm quyền hành chính cho công chức người Việt. Khi tôi cần hộ chiếu lại đúng là lúc giao thời: các văn phòng ở Hà nội vắng hoe. Sốt ruột, tôi bay vào Sài gòn lại thấy một tình trạng tượng tự.  May sao bay trở ra Hà nội, thì vào đúng lúc người Pháp trao quyền cấp chiếu khán cho ông Nguyễn văn Hướng, phụ thân tướng Hiếu sau này sẽ thay tướng Phú để liền sau đó ngộ nạn một cách bí mật (có lẽ vì ông tướng trẻ rắp tâm tiếp tục chiến đấu với Bắc Việt cả sau khi Sài gòn sẽ đầu hàng chăng?). Qua trung gian ông Nguyễn phẩm Phúc, tôi quen thân với ông Hiếu, do đó chưa mất một giờ, tôi đã có đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho một sinh viên xuất ngoại. Ra khỏi văn phòng, tôi gặp ngay Cha Trần ngọc Thụ, từ văn phòng toà Khâm sứ Toà thánh Vatican ở Sài gòn, bước tới và đương lớ ngớ ôm một chồng chiếu khán chưa đóng dấu của một số khá đông linh mục, chủng sinh và tu nữ được học bổng đi Âu châu và Mĩ châu. Tôi liền tiến dẫn và ông Hướng vui vẻ đóng dấu liền. (Sau này linh nục Trần ngọc Thụ sẽ làm bí thơ riêng cho Đức Giáo hoàng Gio-an Phao đệ nhị nhiều năm). Xét ra, hôm đó tôi được chứng kiến một biến cố lịch sử: đây là lần đầu tiên người Việt có thể vượt biên giới đàng hoàng, mà không cần “xin phép” người Pháp.

Tháng sáu 1950, tôi lên máy bay Air France (một chiếc Dakota 4 cánh quạt) bay nhiều chặng vắn, qua Bombay, Karachi (bấy giờ còn là đất Ấn), Bahrein, Cairo, Roma, để ngừng hẳn tại Paris. Cuộc hành trình kéo dài hai ngày ba đêm! Tới kinh thành ánh sáng, chân tay tôi rã rời, tưởng chừng như tứ chi đã long ra khỏi khớp, và đầu thì cứ ù ù: rời bỏ phi trường cả giờ, mà vẫn như nghe cánh quạt kêu phành phạch bên tai. Air France chiều khách, cho tôi một buồng khách sạn sạch sẽ nghỉ chơi hai ngày, rồi mới lên đường đi tiếp sang Mĩ.

Ngày nay các hãng máy bay giàu tự tín, không hãng nào rỉ tai cho khách du lịch biết trước hành trình. Nhưng bấy giờ thì khác. Air France cho tôi hay: phi công dự trù vượt Đai tây dương, dọc đường đáp xuống đảo Azores, rồi bay thẳng tới phi trường Idlewild (nay là Kennedy) của Nữu ước. Nhưng vào phút chót, họ đổi ý, và quyết định bay từng chặng vắn hơn: qua Shanon (Ireland), Gander (New Foundland), Boston, rồi Nữu ước. Như vậy có lẽ tôi là sinh viên Việt Nam đầu tiên làm thủ tục nhập cảnh Hoa kì với chiếu khán Việt Nam tại phi trường Logan tại Boston. Trong lúc đó, chẳng hạn anh Đỗ trọng Chu, một sinh viên Việt tới Mĩ sau tôi không lâu, đã theo lộ trình thông thường hơn là đường thuỷ qua ngả Ellis Island, dưới bóng thần Tư do tại cảng Nữu ước.

Tới Nữu ước, tôi vội vàng xin yết kiến Đức Hồng y Francis Spellman tại toà Tổng giám mục đường Fifth Avenue, cách văn phòng Air France giăm ba block. Vì nói tiếng Anh mà không ai hiểu, tôi phải dùng một cuốn sổ để ghi bằng chữ viết bất cứ nhu cầu nào, rồi giơ lên cho người ta đọc… Không may cho tôi, gặp ngay một anh tài xế lưu manh biết ngay chàng sinh viên này lần đầu tiên tới Hoa kì: gã bèn nói li lô một hồi như đã hiểu biết, rồi lái xe vòng vòng qua không biết là bao nhiêu đường phố mới tới toà tổng giám mục. Ôi chao, văn phòng giáo phận Nữu ước sao mà rộng lớn làm vậy! Cô thư kí hẹn tôi hôm sau trở lại sẽ được diện kiến vị ân nhân của tôi. Ngài rất ân cần và nói nhiều câu mà tôi chẳng hiểu gì. Đáp lại, tôi nói gì ngài cũng chẳng hiểu nốt, nhưng vẫn thấy ngài gật gật cái đầu, lặp đi lặp lại:một câu nào đó, cố nhiên là không viết ra chữ. Mãi sau này tôi mới biết là ngài yên ủi tôi bằng một câu cửa miệng: “That is right! That is right!”

Tới giáo xứ Đức Hồng y gửi gắm, tôi làm “phó ba” tức là sau Msgr Francis Shea, trên tôi còn Cha James Wash và John Sullivan. Tất cả là công dân Mĩ gốc Ái nhĩ lan. Các vị hỏi tôi từ đâu mà lại, Tôi đáp: “Từ Shanon, Ireland”.

Mấy năm đầu tôi phục vụ như một linh mục vào ngày chủ nhật, và một ngày trong tuần; thời giờ còn lại, tôi đi học ráo riết, cả mùa hè cũng không nghỉ. Tối đến chúng tôi xem Tivi, một máy điện thị có ngân mạc (screen, monitor) bề cao chừng hai gang tay, bề ngang chừng hai gang rưỡi, như vậy máy thuộc loại khá lớn. Tôi phàn nàn hình đen trắng không có màu, thì để chiều ý tôi, mấy ông cha lắp một kính lúp khá lớn chụp kín ngân mạc, phần trên bôi màu thiên thanh, khúc giữa màu lục, và phần dưới là mầu nâu.

Tôi vào trường Iona nhận học món Hoá. Khuyết tật chỉ đọc và viết được nhưng không nghe không nói được Anh ngữ đã chẳng gây chướng ngại gì cho tôi theo kịp các bài học, vì khi dạy môn Hoá ông thày thường viết công thức Toán Hoá rõ ràng trên bảng xanh, cho nên dù lớn tuổi hơn đồng liêu cả một con giáp, dù đã chấm dứt đời sinh viên cũng cả chục năm, tôi vẫn  theo kịp mọi người. Chỉ cần học thêm vài lớp tiếng Anh, mấy  tháng sau tôi tôi đã chấm dứt được giai đoạn vừa câm vừa điếc.

Sang năm 1951, tôi nhận được điện tín từ Âu châu báo tin có Đức Cha Ngô đình Thục với bào đệ là Ông Ngô đình Diệm đến sân bay Idlewild, cần tôi ra đón. Tôi vội vàng tune up chiếc xe Plymouth, đã cũ mà còn sạch sẽ của tôi, rồi vận bộ đẹp nhất vào người…Bộ này tôi đã mua trước đó ít lâu để thay thế cho bộ complet may tại Hà nội, mặc vào mà thấy mình chẳng giống ai ở Hoa kì. Bữa đó, tôi vẫn chưa trút bỏ được dáng dấp anh chàng nhà quê lên tỉnh, mặc dầu trên đầu đội mũ dạ đen, trước ngực mang cổ cồn trắng, và nếp quần cứng như dao cạo. Nên nhớ rằng: hồi đó kĩ nghệ dệt chưa sản xuất các thứ sợi nhân tạo, có thể ủi bằng bàn là nóng làm ra những nếp rất bền. Áo vét tông không kể, quần chúng tôi bấy giờ thường may bằng vải len màu đen, cứ một hoặc hai tuần phải đem tới Chinese laundry giặt khan rồi ép bằng máy hấp. Mặc dầu sức ép của máy khá lớn, nhưng nếp quần thường chỉ cầm cự được một hai tuần là cùng, rồi phải mang đi ép nếp lại…Tại sao cầu kì đến thế? Vì giáo sĩ thời đó ra đường không được hút thuốc, không được uống rượu, áo quần phải tề chỉnh hết sức: mũ “phớt” đen đội vào mùa đông, loại Panama trắng đội vào mùa hè. Noblesse oblige mà! Vào thập niên 1950, được đặc biệt kính trọng là “1/ Công chức, trên hết là Tổng thống Henry Truman, 2/ Giáo sĩ; 3/ Cảnh sát và thợ chữa lửa. Trẻ con đứa nào cũng mơ lớn lên sẽ làm cảnh sát hoặc thợ chữa lửa!…Ôi thời bốn phương thanh bình, dân tình đôn hậu  nay còn đâu.

Trở lại chuyện mua bộ complet mới. Bữa đó tôi gạt ra một bên hãng Bond (bình dân quá!), mà lượn đi lượn lại dọc Fifth Avenus, Manhattan mấy vòng, rồi đầu thẳng ngực ưỡn, trịnh trọng bước vào hãng Roger Pitts. Cho là khách xộp (thử hỏi: khách bước vào Roger Pitts ai mà không phải là khách xộp?). nhân viên hãng xúm xít ra đón; mời thử hết bộ này sang bộ khác. Kết cục họ giới thiệu một bộ hai hàng cúc, vải len mịn, với giá cắt cổ. Gã thanh niên Việt Nam nào có biết gì, nghe họ nói hàng bán theo giá đặc biệt dành cho giáo sĩ, nhất là người ngoại quốc (?), bèn vui vẻ móc tiền ra trả. Về nhà mấy ông linh mục bạn nghe kể ai cũng lăn ra cười ra nước mắt, thương thay  kẻ ngây thơ bị cá mập làm thịt. Ở lâu hơn, tôi mới nhận ra áo hai hàng cúc chỉ thích hợp với người to con, và hàng may sẵn không bao là toàn mĩ, nhất là loại may theo kích thước người da trắng da đen thì làm sao làm nổi bật được các nét đầy dương tính trên thân thể một hán tử da vàng?

Phải, bữa đó tôi phập phòng ra đón ông Diệm, với ý thức: Đức Cha Thục từng là bạn đồng song với Đức Hồng y Mĩ tại Roma ngày nào, thì chắc chắn ông Diệm sẽ được Đức Hồng y ân cần đón tiếp. Mà quả như thế. Hơn nữa  vì tôi và ông Diệm cùng chung một người bảo trợ là Đức Hồng y, cho nên hai chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội sống bên nhau. Một lần nữa, tôi đoán trúng: Tuy nơi ông Diệm lưu trú là nhà dòng các linh mục Maryknoll gồm hai cơ sở: một ở Ossining N.Y.(thuộc tiểu bang Nữu ước),  một ở Lakewood N.J. (thuộc tiểu bang New Jersey), nhưng mỗi lần ông tới Manhattan tiếp chính khách tại khách sạn, thì ông thường cậy tôi đưa đón. Có khi tôi còn tình nguyện bỏ tiền riêng thuê khách sạn, vì biết ông cụ rất thanh bạch. Dần dần không có vườn đào để đọc lời thề kết nghĩa, mà hai “Việt kiều” niên canh cách nhau hai con giáp, đã trở nên bằng hữu vong niên chí thiết. Bỏ Hoa trung vượt Trường thành mà chợt gặp được người đồng hương thì bất diệc lạc hồ? Tới đây tôi hồi tưởng tới anh Nguyễn xuân Điền, con ông Nguyễn phẩm Phúc. Tôi quen biết gia đình này từ 1948; năm mà họ kéo nhau từ khu tư (Thanh hoá) ra Phát diệm (Ninh bình: khu ba), nhằm lúc tôi mới thành lập trường trung học Trần Lục. Do đó tôi tìm dịp tiến cử Anh Điền.  Bữa đó, tôi thuê cho ông cụ một phòng cao ráo tại khách sạn Tudor, lại thuê cho Điền một phòng bên cạnh. Một nhân vật lịch sử giáp mặt một thanh niên mới lớn. Hai bên đàm đạo một hồi. Sau đó tôi hỏi Điền nghĩ sao về ông Cụ thì Điền trả lời ngay: không ngờ một nhân vật lẫy lừng từ lâu, mà còn trẻ như vậy, nhưng dáng đi chữ bát, lại đoản tướng thì làm sao có thể hấp dẫn anh, làm sao có thể làm lãnh đạo nhân dân cả nước? Cảm giác đầu tiên là như thế nhưng về sau Điền đã nhiều năm làm việc ở toà đại sứ Việt nam tại Washington, dưới quyền đại sứ Trần văn Chương.

2 – Nhiều người muốn biết:

hơn hai năm sống chung với các linh mục Maryknoll, ông Diệm đã làm những gì?

Không đi học, không đi tu thì ông làm gì?

Mục tiêu số một ông nhằm là tìm nhân tài trong số các sinh viên du học tại Mĩ và Canada: Huỳnh văn Lang, Đỗ vạng Lí, Bùi công Văn nhân viên Voice of America, Bùi kiến Thành, Nguyễn Thái, Nguyễn ngọc Linh,  bác sĩ Thơ với chị Minh, và Nguyễn đình Hoà vân vân….Riêng Nguyễn đình Hoà có phụ thân quen biết ông Diệm. Khi Nguyễn đinh Hoà làm đám cưới, ông Cụ đòi tôi đưa đi mua quà tặng đôi tân hôn.

Mục tiêu số hai là ông nghiên cứu tại chỗ chính thể và chính trường Hoa kì. Trong  số các chính khách Mĩ ông gặp gỡ nhiều lần,  có các ông Senator Manfield, Justice Douglas, và…J.F. Kennedy lúc ấy mới bước chân vào thượng nghị viện. Có lần ông Cụ dặn tôi phải thuê phòng khá sang, để cụ gặp gỡ Thủ tướng Pháp.

Về phía chính khách Việt Nam, ông Diệm nhiều lần tiếp hai giáo sư  Bửu Hội, và Nguyễn văn Thoại. Nhà hoá học lừng danh Bửu Hội thì tôi quen tên rồi, vì nhiều lần đã đọc các bài ông nghiên cứu về Hoá, nhưng Nguyễn văn Thoại? Được hỏi thì Cụ trả lời: “Ông Thoại là một giáo sư ở Collège de France”. Tôi  ngạc nhiên: “Chà! chắc ổng phải xuất sắc lắm, thế mà tại sao tôi chưa từng nghe đến tên.”

Một bữa nọ có Cha Cao văn Luận tới ra mắt. Trong cuốn hồi kí: “Bên giòng lịch sử” linh mục viết về sau này, Cha tường thuật khá dài những lần mình gặp vua Bảo đại, Chủ tịch Hồ chí Minh, và ông Ngô đình Diệm. …Viết về cuộc hội kiến giữa ngài và ông Ngô lần ấy, Cha có biên vài dòng về Linh mục Trần văn Kiệm người địa phương đã dẫn cha tham quan Nữu ước. Thú thật tôi cũng có dịp gặp vua Bảo đại về thăm Đức Cha Lê hữ Từ, và dự lễ Mi-sa tại nhà thờ Phát diệm. Nhưng hối ấy tôi chỉ là thành viện ca đoàn trường thần học Thượng kiệm, nhìn lên chỉ thấy  nhà vua ngự xa xa trong khuôn viên đặc biệt gần bàn thờ. Khi cử hành thánh lễ, chúng tôi đã hát những bài plain chant  du dương,  và  nhạc đa âm (4 dòng nhạc đuổi nhau) của Palestrina, Victoria… Không phải là tự kiêu, nhưng dám khoe rằng chúng tôi hát rất hay, và lễ tất đã được chính hoàng thượng ban khen. Tôi cũng có dịp gặp Chủ tịch Hồ chí Minh khi ông về Phát diệm, tôn vinh giám mục Lê hữu Từ làm cố vấn chính phủ. Cả tại công đường Đức Giám mục (nhà chung Phát diệm), cả tại nhà hội quán Đức Cha Tòng, tôi đứng cách ông Hồ không quá bốn năm bước; tôi được nghe ổng tươi cười nói với dân Phát Diệm: “Khi nhà xây còn dang dở, người ta thường bỏ mặc gạch vữa nằm ngổn ngang, nhưng nhà xây xong rồi người ta sẽ dọn dẹp đâu vào đấy!!!”  Nghe câu sau cùng, tôi nổi gai ốc khắp mình, từ đỉnh đầu xuống tới gan bàn chân.

Lúc này (năm 1947) tôi là một linh mục trẻ phụ trách xứ Hướng đạo. Trên đường tìm về Phát diệm, ông Hồ đi qua Hướng đạo trong một chiếc xe Peugeot. Xe đương chạy chầm chập ngang nhà thờ Hướng đạo, chợt có một em bé trai băng qua đường bị xe đụng nhẹ. Ông Hồ vội truyền cho tài xế dừng lại, bước ra đỡ thằng bé đứng lên. Ông lấy tay phủi áo nạn nhân, miệng hỏi: “Em có đau không?” Trời ơi, nhân vật vô thần này mà quét dọn giang sơn, thì đạo Thiên Chúa cùng với các tôn giáo khác sẽ khốn đốn to, tôi thầm nghĩ như vậy. Sau này tại Nữu ước khi đã hiểu biết ông cụ nhiều rồi, có lần tôi dám đem ông Ngô đình Diệm,  so sánh với ông Hồ chí Minh. Tôi than thở: “Ước chi Cụ có tài biểu lộ lòng thương dân (hay là mị dân?) như ông Hồ khi ổng đi qua nhà thờ  Hướng đạo của tôi! Ước chi Cụ biết tươi cười như ông Hồ khi ổng diễn thuyết ở nhà Hội quán Đức Cha Tòng tại Phát diệm!” Tương lai đã chứng minh: tôi khiếp sợ ông Hồ và đảng Cộng sản, lại lo ngại cho ông Diệm là rất đúng. Nhưng  khi giáp kiến với giám mục Lê hữu Từ năm ấy, ông Hồ đã thân mật tuyên bố, “Sau này nếu tôi muốn cải đạo, tôi sẽ xin Đức Giám mục Cố vấn rửa tội cho tôi.” Tài giả hình tới mức này, thì nhất định tôi không mong ông Ngô theo kịp ông Hồ!

Xem đó, càng ngày tôi càng bạo dạn , cả những tư tưởng giấu kín trong đầu tôi cũng đem ra ra thảo luận với ông Diệm. Phần ông, ông cũng làm như thế đối với người bạn vong niên là tôi. Thuộc giáo xứ Blessed Sacrament ở New Rochelle, nơi tôi trụ trì, có một tín đồ Thiên Chúa giáo người Trung hoa. Tôi đem người này giới thiệu với ông Diệm. Biết thân thế ông Diệm rồi, sau đó không lâu, người bạn Trung hoa của tôi đã gửi thư mời hai chúng tôi tới ăn cơm Tầu tại nhà. Thư viết bằng Hán tự, hẹn chủ sẽ đón khách vào cuối tuần, trúng “đệ lục nhật”. Mức hiểu biết Hán tự của tôi lúc đó còn hạn hẹp. Đọc thư, tôi ngạc nhiên: “Ủa, sao người Công giáo lại mời khách Công giáo tới nhà ăn trúng vào ngày thứ sáu phải kiêng thịt?” Ông Diệm không ngại nói cho tôi hay: “Đệ lục nhật của Trung hoa là ngày thứ bảy của ta”.

Ông còn thân mật hơn đối với tôi trong giai thoại sau. Cả  khi có ông Cụ hiện diện, mỗi lần nghe người ta hỏi nguyên quán, tôi thường trả lời mình là người Phát diệm. Bữa đó, ông Cụ nhè nhẹ thích khuỷu tay vào hông tôi mà trả lời thay: “Cha Kiệm là người Phát diễm đó”. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ: ông Cụ dặn tôi tránh tên húy vì theo phép giao tế Việt Nam nên tránh gọi tên cúng cơm người có mặt. Không may cho tôi, vì quá Tây phương hoá, tôi sửa luôn “Diễm” thành Diệm” trước mặt mọi người, mà không nhớ rằng Hán tự một chữ có cả hai âm là Diệm và Diễm.

Ngày xưa một nhóm thợ nề xây nhà thờ cho một họ đạo, có linh mục nhiệm sở mang quý danh là Hồ.  Suốt thời gian xây cất, người ta đã tránh tên “Hồ” mà khi cần bắt mạch gạch đá, ai ai cũng gọi :”Cháo đây”.

Vì muốn ông Diệm thay đổi bầu khí cuối tuần, một hôm tôi mời ông lại thăm tôi. Vốn sống chung một nhà với các linh mục Mĩ, thiếu tiện nghi tiếp khách, tôi chợt nảy ra ý kiến. “Hay là mình mượn các tu nữ ở College of New Rochelle giúp?” Số là không xa nhà các linh mục, có một trường cao học chuyên dạy các cô chiêu con gái nhà giầu, phòng ốc rất đẹp, do các tu nữ dòng Ursuline điều khiển. Nhóm nữ lưu này có học lực rất cao, lại giàu lòng từ bi bác ái: mong họ sẽ giúp tôi, một linh mục sở tại. Đồng thời, tôi lại e dè không muốn cho họ biết ông Diệm là ai, vì sợ mang tiếng linh mục mà làm chính trị. Như vậy chưa chắc họ sẽ chấp nhận lời tôi yêu cầu mà thay tôi tiếp khách? Ai ngờ: chỉ vì nể lời một linh mục bản sở, họ đã không ngần ngại dành riêng cho khách một căn phòng rộng rãi trong khuôn viên ngôi trường của họ, mời khách ăn ngủ suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Bữa cơm chỉ có hai chúng tôi ngồi ăn, trước mắt ân cần một vị giáo sư đại học vô danh, người da trắng, hồng hào trong bộ trang phục tu nữ. Nàng tận tình bưng cơm rót nước phục thị hai người Việt chúng tôi suốt hai ngày. Hỏi về đêm ngủ có ngon không, ông Diệm trả lời,: “Bầu khí rất thanh tĩnh, giường ngủ rất êm ái thơm tho, nhưng họ cần gì mà phải thay chăn đệm mỗi tối, và khăn lau trong buồng tắm một ngày ba lần?” Ôi! Tinh thần tu nữ dòng Ursula vào thập niên 1950 sao mà cao vời vợi làm vậy!

Trở về cuộc cụ Hồ tới thăm Đức Giám mục Lê hữu Từ. Cũng hôm đó, ông Hồ sau khi tham quan khuôn viên thánh đường đã tản bộ ra tận bờ hồ. Đi ngang qua nhà ông giáo Huệ (trước kia là nhà ông phó Bá phụ thân ông giáo Huệ, và trong một thời gian từ 1885 đến 1890, cũng là nơi Cụ đồ Giản, theo lời mời của  Cha Trần Lục, đã mở trường dạy Hán tự. (Xem tiến sĩ Nguyễn tư Giản trong cuốn Tự điển văn học L.m. Trần văn Kiệm sắp phát hành), ông Hồ buông ra một câu cho tới nay tôi vẫn cho là khó hiểu: “Cảnh vật y như xưa không có gì là khác” (???)

Có lần chính khách Mĩ phàn nàn với tôi: linh mục đề cao tư cách lãnh đạo của ông Diệm, và cả Đức Cha Thục cũng làm như thế, nhưng chúng tôi cần thêm chứng nhân, vì Đức Cha Thục là anh đề cao em thì có chi là lạ. Ông Diệm bèn mời Đức Cha Nguyễn ngọc Chi quá bộ sang Hoa kì, thấy Đức Cha Chi gặp khó khăn khi phát biểu ý kiến bằng Anh ngữ, ổng mời thêm Đức Cha Hoàng văn Đoàn sang Hoa kì. Đức Cha họ Hoàng to con, lại có một bộ râu quai nón vĩ đại. Hơn nữa ngài lại là một học giả bằng cấp cùng mình. Ngài nói thông thạo Anh ngữ, lại biết đọc Thánh Kinh bằng tiếng Hi bá lai, cổ ngữ Do thái. Một hôm, ngài cùng chúng tôi đi xe điện ngầm tại Manhattan Nữu ước…Rất ít linh mục, phương chi là giám mục đi xe điện ngầm, cho nên vừa thấy đoàn chúng tôi ba người (gồm cả Cụ Ngô) bước lên xe, ai cũng ngạc nhiên. Làm thế nào mà một ông có bộ râu Quan Công, mặc áo overcoat khi trời chưa lạnh lắm, dáng dấp y hệt một đạo sư (Rabbi) Do thái, lại đi bên hai người Á đông, một người mang y phục linh mục La mã? Nữu ước có rất đông công dân Mĩ gốc Do thái, và cố nhiện họ ngồi đầy toa xe điện: ai ai cũng ngạc nhiên vô cùng. Tới khi ông “rabbi” rút sách Hi bá lai ra đọc, thì thiên hạ không còn hồ nghi gì nữa. Họ ùa nhau tới hỏi ngài bằng tiếng yiddish xem có đúng ngài là một ông rabbi không? Lúc này Đức Cha Đoàn mới mở áo ngoài cho họ xem cây thập giá đeo trước ngực mà xác định mình là Giám mục Thiên Chúa giáo, thông thạo cổ ngữ Hi bá lai mà không biết tiếng yiddish. Ai ai cũng bò cười, đàn ông đàn bà xúm lại ôm hôn ông Quan công có bộ râu như các tín đồ Do thái chính thống.

Trước khi trở về nước, Đức Cha Đoàn, vốn  thuộc hội dòng Đa minh (Dominicans) có nhờ cha Fahey trụ trì tại một tu viện Đa minh ở Nữu ước thu lượm “tiền xin lễ” từ giáo dân Hoa kì, rồi gửi vể Bắc ninh cho ngài. Cha Fahey gọi tôi tham gia, và công việc đương tiến triển tốt đẹp được ít lâu thì một buổi tối khuya, đồng đồ đã điểm 11 giờ, Cha Fahey gọi điện báo tin động trời: Toà thánh Vatican được toà Khâm mạng tại Việt Nam báo tin: Đức Cha Đoàn nghiêng theo Cộng sản!! Phải lập tức chấm dứt cuộc lạc quyên bảo trợ Giám mục Đoàn ngay”. Hai chúng tôi tin rằng Đức Cha bị vu oan, nhưng chỉ biết ôm đầu khóc thầm. Về sau chúng tôi biết thêm: Đức Cha Đoàn bị biếm sang nhà dòng Đa minh tại Hương cảng. Nhưng mối oan khuất của ngài từ từ hiện ra càng ngày càng rõ, vì chính ngài trước khi rời Việt Nam, đã bị Cộng sản đả thương, và như vậy tất cả nội vụ đều do đảng Cộng sản dàn dựng.

Thời gian trôi qua lặng lẽ.  Vì tiếp tục học tập luôn cả mùa hè, và bỏ ra khá nhiều giờ hì hục tại phòng Lab lại được trường tặng luôn cho một số credit vì mảnh bằng Baccalauréat Pháp do đại học Hà nội cấp hai năm 1940 và1941, tôi lãnh bằng BS Hoá rất sớm, để sau đó theo học khoa Lí tại trường Fordham,  thụ nghiệp với Dr Hess, vị giáo sư gốc Đức từng dựt giải Nobel vì đã có công khán phá ra tia vũ trụ (cosmic ray). Đồng thời cuối tuần tôi vẫn liên lạc với ông Diệm. Thấy ông có phần sốt ruột trước tình trạng chính trị trì trệ, tôi mách cho cụ nên có một hobby. Tôi vốn say mê chụp hình ngay từ khi mới sang Hoa kì, nào là Rolleyflex, nào là Leica, lại cả một chiếc Graphic lớn cỡ. Chụp đen trắng rồi lại chụp mầu, và để rửa ảnh ra giấy, tôi được tự do sử dụng buồng tối ở nhà trường tư thục của giáo xứ. Ảnh màu Kodak tôi phải đưa ra tiệm, nhưng ảnh màu Ansco thì tôi rửa ngay tại nhà. Tới hồi tôi theo học trường Forham, tôi càng mê máy ảnh hơn, vì tại đây trong phòng thí nghiệm khi muốn phân tích thành phần các thể chất, các giáo sư dạy tôi phương pháp dùng điện thế rất cao mà chụp quang phổ (spectrum). Cuối cùng hai chúng tôi ghé vào tiệm Peerless gần nhà ga trung ương ở phố 42, và tôi đã giúp ông cụ lựa chọn một chiếc máy ảnh, lại mua thêm cuốn dạy chụp và rửa hình. Tôi không ngờ khi đem ông Cụ vào nghề chơi thanh lịch này tôi sẽ giúp kẻ xấu bụng bôi lọ thanh danh của Tổng thống Ngô đình Diệm: Sau khi hạ sát ông xong, bọn chúng vào buồng ông lục lọi kiếm tiền. Tiền không nhiều, nhưng họ lượm về một đệp tạp chí dạy cách chụp và chơi hình. Cố nhiên đối tượng máy chụp là phong cảnh và người mẫu. Chúng bèn phao lên là Tổng thống Diệm chơi hình khoả thân. Báo Photography đâu có thuộc loại Playboy?

Vào giai đoạn này, thấy ông Diệm có thì giờ đàm đạo vu vơ với tôi, nhiều lần tôi hỏi cụ có ý kiến gì về Chủ tịch Hố chí Minh? Cái ngày Ông Bà Chương và ông bà Nhu tìm về Phát diệm, tôi thắc mắc không biết ông Ngô đình Diệm không về theo gia đình, thì lưu lạc đi phương nào? Nhiều người xì xào: nể lời Đức Cha Lê hữu Từ cố vấn chính phủ, ông Hồ đã mở cửa cho các ông bà Chương Nhu tìm về Phát diệm, nhưng vẫn giữ ông Diệm ở lại Hà nội. Tôi muốn biết mối giao tế giữa hai người tốt xấu như ra sao? Nhưng không môt lần nào, ông Diệm bình luận với tôi hay bất cứ ai về ông Hồ.

Về sau khá lâu, tôi nghe một nguồn tin nói rằng: Khi bị Hoa kì dồn ép tới đường cùng, ông Diệm có nhờ giáo sư Bửu Hội làm trung gian mở một vài cuộc hoà đàm bí mật với đại diện ông Hồ tại Tánh Linh, khiến cho một số chính khách Mĩ đã dựa vào đó mà gỡ tội cho ông Cabot Lodge, đại sứ Tổng Thống J.F.Kennedy…Nói tới Tánh Linh, tôi liên tưởng tới Đức Bà Tapao, pho tượng Đức Ma-ri-a chắp tay cầu nguyện cho nước Việt Nam, một công trình tôi đã nghe lệnh ông Diệm mà đặt nghệ sĩ Hải tại Phú nhuận đắp tượng bằng xi măng, lại chỉ huy công trình lập tượng đài trên ngọn đồi giữa rừng xanh, chỉ cách Tánh linh có dăm bảy cây số. Tượng đã hiển linh, và đã trở thành một địa điểm hành hương.

3- Vua Bảo đại mời ông Diệm về nước chấp chính lần thứ nhất

Mùa hè năm 1953, trung tuần tháng 6, ông Diệm gọi tôi mà nói: “ Hoàng đế Bảo đại mời tôi trở về nước chấp chính”. Tôi dựt mình. Theo tôi nhận xét thực trạng, thì các chính khách Mĩ rất lơ là; không ai chú ý gì tới Việt Nam cả. Nhiều người vẫn chưa biết ông Hồ chí Minh là ai. Thậm chí có người (đã học qua trung học) tò mò hỏi tôi: “Thưa Cha, tọc mạch thế này là không phải, nhưng con không nhớ Việt Nam đứng chỗ nào trên bản đồ, và không biết phụ nữ Việt Nam còn đi lại khoả thân, hay là họ đã biết mặc quần áo?!”

Mãi tới gần một tháng sau khi trận Điện Biên phủ nổ lớn ngày 13 tháng 3 năm 1954  (sẽ thất thủ ngày 26 tháng 6) và có lẽ cũng vì nghe lời Đức Hồng y Francis Spellman kêu gọi, ngày mùng 7 tháng tư năm 1954 tổng thống Eisenhower mới lên tiếng cảnh giác, khi ông xướng lên thuyết Domino: “Nếu Việt Nam sụp đổ trước sức tấn công Cộng sản quốc tế với Liên Xô và Trung hoa yểm trợ Hà nội, thì mấy nước ở Đông Nam Á sẽ khó mà đứng vững được”.  Đó là tình hình cả một năm sau mới xảy ra. Thật vậy, vào giữa năm 1953, khắp lãnh thổ Hoa kì và nhất là trong Bạch Cung, gồm cả Tổng thống Eisenhower mới lên cầm quyền đầu năm 1953,  không ai lưu ý tới Việt Nam cả.  Tại sao hoàng đế Bảo đại kêu gọi chí sĩ Diệm sớm sủa như thế này? Được hỏi Cụ trả lời rất dứt khoát: “ Được Mĩ  bật đèn xanh, không phản đối việc tôi quy cố hương là đủ.  Chắc rằng về nước nhà rồi, tôi sẽ còn cần họ tiếp sức mới hãn ngữ được đường tiến của Mạc tư khoa, Bắc kinh và Hà nội. Như vậy là bõ công tôi sống hơn hai năm ở Hoa kì . Việc tôi trở về sẽ không do Hoa thịnh đốn quyết định, nhưng sẽ tuỳ thuộc công cuộc Hoàng đế Bảo đại dàn xếp với Champ Élizée có hanh thông hay chăng.” Tôi mù tịt không biết Cụ muốn nói gì. Với giọng thương hại, cụ yên ủi: “Sang Âu châu, gặp nhà vua rồi, nhìn thấy  tiền đồ sáng tỏ hơn, tôi sẽ từ bên đó đánh điện tín cho Cha theo rõi, để cha thông báo cho các anh em chị em bên này yên lòng”.

Kế đó, ông Diệm rời bỏ nhà dòng Maryknoll. Lakewood, New Jersey về thẳng nhà anh chị Bùi công Văn toạ lạc không xa góc Đông bắc công viên Central Park, ở Manhattan. Một phái đoàn rất nhỏ gồm 5 người là anh chị Bùi công Văn, các anh Đỗ vạng Lí, Bùi kiến Thành và tôi lên hai chiếc xe tháp tùng ông Cụ ra phi trường Idlewild. Đương khi đợi máy bay, Chị Bùi công Vân la lên: “Kìa! Cụ về nước mà cổ trần không có cà vạt!” Nghe nói anh Bùi kiến Thành (con ông Bùi kiến Tín, một trong số rất ít người hiểu biết ông Diệm không làm ra tiền, cho nên thỉnh thoảng có góp lí tài giúp ông – tôi biết chi tiết này vì chính ông có lần nói nhỏ cho tôi nghe), đã tình nguyện bỏ tiền mua cà vạt cho ông Diệm.

Ngày kế tiếp, tôi được điện tín từ Paris: “ Tout va bien” rồi từ đó mất liên lạc…

Khá lâu sau ông cụ mới gửi cho tôi  một bức thư kể vắn tắt rằng: công cuộc Hoàng đế Bảo đại điều đình với Pháp không xuôi xẻ, và trước tình thế mới, ông phải rời nhà ông Ngô đình Luyện – chỉ là nơi tạm trú – mà  bỏ nước Pháp, tìm sống trong nhà dòng Saint André ở Bruges, nước Bỉ, mà nhẫn nại chờ đợi thêm. Tôi vội tìm tự điển khảo cứu ít nhiều về thành phố Bruges…

Đó là tất cả diễn tiến của đại cuộc “Mĩ đưa ông Diệm về làm Tống thống và thiết lập Công hoà Việt Nam với cờ vàng ba sọc đỏ.” Sự thực Bạch cung không trao cho ông Diệm một công văn gì, không uỷ cho ông Diệm một nhiệm vụ gì, không bố thí cho ông Diệm một đồng Mĩ kim nào. Nhờ có bà Bùi công Văn và anh Bùi kiến Thành ông cụ mới nhận ra bộ cánh của mình còn thiếu cà vạt, rồi thụ động để có người khác  đem một chiếc cà vạt mua vội ở phi trường, gắn lên trước ngực cho ông….

Đây mới là lần thứ nhất năm 1953, Hoàng đế Bảo đại vời ông Diệm trở về. Mùa hè năm 1954 nhà vua sẽ  kêu gọi ông Diệm trở về lần thứ hai như sẽ thấy sau này.

4- Cuối năm 1954, tôi bỏ Hoa kì trở về Việt Nam

phục vụ Tổng thống Diệm với tư cách quan sát viên miễn phí

Năm 1953 dựt được mảnh bằng BS Physics, tôi chuyển sang trường New York University uptown không xa đại học Fordham cũ của tôi là bao, để chiều chiều theo học môn Quantum Physics. Tôi chọn các môn học kì cục này chỉ vì tính tôi thích tìm hiểu. Chứ như tôi đã lớn quá tuổi sinh viên rồi, đã quyết tâm trọn đời phục vụ giáo hội rồi thì cần chi phải khổ công chạy theo thế hệ hậu bối hăm hở tìm mảnh bằng làm phương tiện tiến thân trong xã hội làm gì? Chính vì thế , học qua các lớp dạy ở uptown, và đương khi học tiếp môn Quantum Physics năm thứ hai ở  campus downtown, gần vị trí hai ngôi nhà chọc trời Trung tâm mậu dịch, sẽ là mục tiêu cho nhóm Hồi giáo quá khích phá hoại sau này, khi  vừa nghe tin ông Ngô đình Diệm được hoàng đế Bảo đại mời về chấp chình lần thứ hai vào giữa năm 1954, tôi quyết định bỏ học theo ông cụ trở về Việt Nam.

Sách nói “đoạn trường thay lúc phân kí”, nhưng cuộc tôi chia tay với Đức Hồng y Francis Spellman lại khác hẳn. Bữa cơm li biệt được thiết tại tư dinh Đức Hồng y gần nhà thờ St Patrick, Fifth Ave. Quanh bàn Đức Hồng y có đại sứ Việt Nam ông Trần văn Chương, và hai đứa con cưng của ngài  người  Việt là anh Nguyễn đức Quý và tôi, cả hai có may mắn được ngài bảo trợ cũng như ngài đã bảo trợ ông Diệm hồi nào. Cơm nước xong, ngài cho chiếu phim ghi lại cảnh dân Bắc Việt trốn Cộng sản chạy vào Nam theo ông Diệm. Tới khung hình một phụ nữ Việt Nam vận áo tứ thân thắt khăn mỏ quạ, hớt hải một tay bế con thơ, một tay bưng hình Đức Mẹ hằng cứu giúp, ngài đã không cầm được giọt lệ. Chính như tôi lúc này, tức là 40 năm sau ngày  từ giã Đức Hồng y Spellman, lần nào nhớ tới bà mẹ đau khổ, và tấm khăn  Đức Hồng y lấy lau nước mắt, tôi cũng không cầm được giọt lệ.

Hiện nay anh Quý đã hồi tục. Sau khi đỗ bằng Ph D về môn Sinh học anh đương là một nhân viên kì cựu trong Hội chống Ung thư ở New Jersey. Khi ông Diệm đặt chân lên  Hoa kì lần đầu , Quý cũng mới tới Nữu ước trước đó không lâu. Tôi đưa hai người gặp nhau ở nhà anh Đức Thanh. Vừa thấy ông Diệm, Quý chạy lại vỗ vai mà hỏi: “Anh mới sang đây hả? Anh theo học trường nào?”

Trước khi ông Diệm đặt chân trở lại Việt Nam, tôi có tiếp được một bức thư ông Nhu gọi tôi về giúp chính phủ. Lá thư này khơi cho kí ức tôi nhớ lại một câu chuyện vui vui xảy ra khi tôi mới nắm được mảnh bằng MS Physics trong tay. Hồi đó, thế chiến thứ hai chấm dứt chưa lâu, cả thế giới nhất là các nước Âu châu, hăng say  tái thiết xứ sở. Vì vậy sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng Bachelor degree bất luận là môn gì, đều không thiếu cơ hội tìm cho mình một việc làm ngon lành. Cả mấy tuần lễ trước ngày phát bằng, các hãng lớn đều mở văn phòng ngay tại khuôn viên nhà trường để kêu gọi nhân tài. Tôi tốt nghiệp MS tại Forham với ngoại ngữ là tiếng Đức, tên tôi lại mang vần K rất thông dụng tại Đức. Cả ba nguyên tố: khoa học, Đức ngữ và vần K tác hợp với nhau, làm thành một lá thơ của bộ ngoại giao Đức, mời tôi trở về phục vụ cho Vaterland! Cố nhiên tôi phải từ chối cả hai lời mời từ người Đức cũng như từ ông Nhu. Với bào đệ ông Diệm, tôi xác định mình đã làm linh mục thì trọn đời sẽ một lòng giảng đạo không làm chính trị, nhưng cố nhiên tôi sẽ làm thần dân tận tuỵ phục vụ tổ quốc .

Tôi về tới Việt nam, thì ông Diệm đã bình định xong xứ sở và thực hiện xong việc trưng cầu dân ý cho phép ông từ Thủ tướng bước lên làm Tổng thống thay thế vua Bảo đại. Nhìn vào hiện tình Iraq đòi hỏi Hoa kì hi sinh không biết bao nhiêu mạng người, và  chi phí không biết bao nhiêu tỉ mĩ kim, mà việc lớn vẫn chưa hoàn thành, người ta mới nhận ra được tài kinh bang tế thế của ông Diệm siêu việt tới chừng nào. Đúng như câu ngạn ngữ bình dân  “ Trói voi bỏ rọ” và một câu bình dân hơn nữa: “Tay không bắt chó cái.” Ông đã đơn thương độc mã tái tạo giang sơn miền Nam trong một thời gian kỉ lục.

Được tin người bạn vong niên trở về, ông nhờ Bác sĩ Tuyến tới trường chủng viện Phát diệm ở Phú nhuận mời tôi vào dinh độc lập. Bác sĩ nói: “Cha sẽ vào lối cửa tiền”. Tôi hỏi “Sao phải vào lối cửa tiền?” Bác sĩ đáp: “Vì ý tổng thống muốn như vậy. Nhân tiện xin hỏi: Cha có xe hơi không.? “ Tôi trả lời: “Mình sẽ đi tắc xi”.  Bác sĩ nói : “Như thế cũng được”.

Thế là đúng giờ và đúng vị trí đã hẹn,  tôi xuống khỏi chiếc tắc xi tí hon – mới ở Mĩ về tôi thấy chiếc tắc xi ở Sài gòn nhỏ bé quá chừng – thì thấy cửa mở cả hai cánh, một số người mặc đồng phục Việt Nam (không phải quân nhân) xếp hàng đứng chào, rồi họ dẫn tôi lên lầu tới một phòng ở đầu cánh trái dinh Độc lập, có Tổng thống Ngô đình Diệm trong bộ quốc phục ngồi đợi. Sau nghi lễ thông thường, hai người uống trà do đám gia thuộc cũng vận khăn áo Việt nam phục thị…Thấy Tổng thống vẫn nhận tôi là bằng hữu vong niên, tôi đánh bạo hỏi Người hai câu đương vương vấn trong đầu:  1/ “Tại sao Tổng thống phải truất phế Hoàng đế Bảo đại?”  Đáp: “ Vì chính nhà vua muốn truất phế tôi, sau khi tôi dẹp yên bọn theo Pháp phá hoại quốc gia, và thành lập xong một chính phủ có đầy đủ sức hoạt động. Té ra nhà vua đã lợi dụng tôi như một con cờ thí nhận việc dọn đường phục bích mà thôi. Trước sau Hoàng thượng vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở lại Huế ngồi lên ngai cũ các vua Nguyễn. Tôi đã hứa khi được hoàng đế mời về chấp chính thì mình sẽ vâng nghe các thánh chỉ sáng suốt của ngài. Nhưng thánh chỉ đòi tôi rút lui vào lúc quốc sự còn ngổn ngang, thì nhất định là thiếu sáng suốt, làm sao tôi có thể phụng mệnh thánh chỉ được?.” Câu hỏi thứ hai: “ Tại sao Tổng thống giận Đức Giám mục Lê hữu Từ?” Đáp: “ Tôi đâu dám giận Đức Cha? Chỉ có Đức Cha giận tôi mà thôi . Khi tôi mời ngài tránh nạn vào Nam, ngài đã không chịu. Cha còn nhớ chăng? Cuối năm 1952, tôi có nhờ Cha biên thư cho Ngài mà căn dặn chấm dứt chương trình xây trường Louis Pasteur ở Hà nội, để dùng tiền mua đất xây nhà ở Sài gòn phòng biến. Ngài đã không nghe khiến cho địa phận Phát diệm bây giờ lâm vào cảnh cơ cực ở vũng lầy Phú nhuận. Tới giai đoạn hiệp định Genève, tôi hết sức hô hào dân lành bỏ Bắc vào Nam, thì Ngài lại đòi tôi làm một việc mộng tưỏng đầy máu xương, là giúp Ngài cố thủ tại Phát diệm! Cha ơi! Tôi rất đau khổ vì mất một ông bạn cố tri, từng là ân nhân của tôi và cùng tôi xuất thân từ Quảng tri!” Thú thực, tôi rất mừng thầm khi thấy Đức Cha Từ vào Nam đã né tránh các hoạt động chính trị và quân sự.

Xin lần nữa viết về ông Nhu. Tôi tự hỏi: tại sao có lễ nghi rườm rà tiếp đón tôi vào dinh độc lập như kể trên? Tôi tin rằng đó là sáng kiền riêng của Tổng thống Ngô đình Diệm, và hình như không được ông Nhu tán thành cho lắm, khiến cho từ đó về sau trong nhiều dịp gặp gỡ, ông Nhu nếu không nguội lạnh, thì cũng không bao giờ tỏ ý thịnh tình với tôi. Hồi ông Diệm còn ở Nữu ước, một hôm  chúng tôi tản bộ ở gần nhà anh Chị Bùi công Văn – thì anh Bùi công Văn xin chụp hình ông Cụ và tôi,  vai sánh vai chung trong một tấm hình. Ông Ngô đình Diệm cho phép ngay, và cách đây chừng 20 năm, tìm đến Virginia thăm ông bà họ Bùi lần sau cùng, tôi còn thấy  Album gia đình vẫn giữ tấm hình này, nhưng tấm thứ hai tôi đưa về Sài gòn đầu năm 1955 đã bị ông Nhu sai người tới tận nhà thu hồi để huỷ đi (vì sợ tôi không xứng đánh đứng sánh vai với Tổng thống?) Sự cố xảy ra vào quãng năm 1961.

Có lần tôi hỏi: làm thế nào mà Tổng thống thực hiện công cuộc bình định xuôi xẻ như vậy? Đáp: “ Ngưới Pháp dùng các tay chân còn trung thành với họ, nhất nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn và tướng Hinh, đã tìm hết cách phá hoại quốc gia. Đồng thời Hoa thịnh đốn cứ êm re. Đương lúc bối rối vì quân đội thiếu võ khí thì may thay, Vòng a Sáng phụ trách một kho đạn lớn của Pháp thiết lập ở miền Trung (Cụ nói rõ tên vị trí mà tôi quên mất) tự ý chở tiếp liệu về Sài gòn. Tôi ao ước hiểu biết: Vòng A Sáng là ai? Và lòng trung thành hữu hiệu của nhân vật ấy đã được báo đáp như thế nào? Nhưng thấy Thổng thống muốn chấm dứt cuộc hội đàm, tôi đã không dám hỏi.

Qua ngày 11 tháng 10, Pháp quân rời Việt Nam, và ông Hồ chí Minh lên ngồi ghế Chủ tịch Dân chủ Việt Nam Cộng hoà. Nhưng phải đợi cho tới ngày 24 tháng 10, tổng thống Eisenhower mới gửi một công văn cho Tổng thống Diệm hứa Mĩ sẽ giúp miền Nam, và để chứng minh ông sai tướng J. Lawton Collins làm đại sứ Mĩ ở Sài gòn. Bình phẩm về vụ này, Tổng thống Johnson về sau có lần nhìn nhận rằng: đây là lần đầu tiên Hoa kì bắt tay với chính phủ Ngô đình Diệm.

Vì thành tâm phục tài ông Diệm, tổng thống Mĩ đã mời Tổng thống đệ nhất Cộng hoà Việt Nam sang Mĩ ngày mùng 8 tháng 5 năm 1957. Nhân dịp này, ông tôn xưng Tổng thống Diệm là kì nhân của Á châu (the Miracle Man of Asia). Và T.t. Eisenhower đã ra tận phi trường Dulles đón ông Diệm, lại tổ chức một cuộc vinh danh quý khách (VIP) tại Manhattan. Ngày vinh danh đó, Tổng thống Việt Nam  đứng trên một chiếc xe hơi mui trần, vẫy tay chào công chúng hai bên đường…Đoàn xe  từ từ dạo qua các phố chính, đặc biệt là ở công trường Time Square (một khúc của Broadway), thì giấy confetti muôn màu bay xuống không dứt như một trận mưa hoa đào…

Dù vậy mặc lòng, Hoa kì chỉ phái nhân viên chuyên môn sang Việt Nam làm cố vấn, và chi tiêu rất ít cho ông Diệm. Sánh với gần 3 tỉ bạc người Việt từ Mĩ hiện nay gửi về Việt Nam hằng năm thì số tiền Hoa kì phải bỏ ra giúp đệ nhất VN Cộng hoà thực là không đáng kể. Tôi không nắm chắc được con số, nhưng dám quả quyết số tiền Ông Diệm nhận được từ Hoa kì không bao giờ lớn hơn 500 triệu mỗi năm. Thế mà Quốc trưởng đệ nhất Việt Nam cộng hoà được quốc tế kính nể, người dân trong nước được hạnh phúc an ninh, Cái Sắn, Hố nai từ hoang địa đã trở thành làng xóm trù mật. Chùa chiền và nhà thờ mọc lên như nấm…

Tiếc thay sang thời kì đảng Dân Chủ cầm quyền, không ai hiểu được vì lí do gì, Tổng Thống J. F. Kennedy muốn đưa đại quân Mĩ đổ sang Việt Nam.

Tổng thống Ngô đình Diệm can ngăn. Có lần ông nói với tôi: “Hiện nay Việt Nam chỉ cần Hoa kì viện trợ một số phi cơ oanh tạc và đầy đủ máy điện thoại lưu động có tầm gọi xa. Với ngần ấy, các ấp chiến lược sẽ liên lạc được với nhau mà bảo vệ hữu hiệu nền an ninh cho cả nước. Cần gì đại quân Mĩ phải kéo sang đây mà thêm đổ máu cho cả quân Mĩ cả nhân dân Việt từ Bắc vào Nam làm gì? “ Thế rồi vì quý trọng sinh mạng, vì yêu nước, ông quyết liệt từ chối đề nghị  của Bạch cung. Ngày mùng 4 tháng chạp dương lịch năm 1960, Đại sứ Hoa kì Elbridge Durbrow, đánh điện về Hoa thịnh đốn: “It may be necessary to consider alternatives to Diem”.

Tin lọt tới Hà nội, Bắc kinh và Mạc tư khoa!!!  Hoa kì thua trận Việt Nam từ ngày hôm ấy;  ông Diệm nhận án tử hình cũng ngày hôm ấy:  mùng 4 tháng chạp năm 1960!!!. Tuy nhiên  ông còn cố gắng cầm cự thêm ba năm nữa, trong tình trạng càng ngày càng loạn lạc: vụ Phật giáo xuống đường; vụ xô xát giữa đám côn đồ mạo xưng là Phật tử với đám thanh niên Thiên Chúa giáo, vụ treo cờ ở Huế, vụ hoà thượng tự thiêu…Ngày 5 October đại sứ Cabot Lodge (thuộc đảng Cộng hoà, trình uỷ nhiệm thư ngày 21 tháng 8 năm 1963) báo cáo lên Tổng thống J.F. Kennedy (thuộc đảng Dân chủ): “The coup against Diem is imminent” . Tới ngày mùng 2 tháng một (November) 1963, “Kì nhân Á châu” đã bị Nguyễn văn Nhung bắn chết thầm lén trong một chiếc thiết giáp xa, sau khi ông đã tự ý đầu hàng. Than ôi! Nghĩ tới Saddam Hussein nhà độc tài Iraq ăn gian tiền Liên hiệp quốc bán dầu cứu đói, lại giết hại biết bao nhiêu công dân của ông, nhưng được tha mạng khi ông đầu hàng, mà ngậm ngùi thay cho Tổng thống Ngô đình Diệm kì nhân bạc mệnh.

Tôi mạn phép dừng bút nơi đây.

P.S. (dành riêng cho hai địa chỉ sau, không được phổ biến):

Bài chép làm hai bản,
một bản gửi cho báo Văn nghệ Tiền phong để lên báo
một bản gửi cho Linh mục Trần Cao Tường để lên điện võng www.dunglac.net

Tác giả: Trần Văn Kiệm, Lm.

Site Meter

dunglac@gmail.com <!–    copyright©2007–>



Leave a comment

US money could be liability problem to China

Chinese Currency Showdown

Dave Johnson's picture

By Dave Johnson

March 15, 2010 – 1:32pm ET


Popular This Week

Also Worth Reading

No related links for this issue category.

China is holding down the value of its currency, which means goods made there cost less everywhere else. This undercuts American companies that make things, so they close factories here and buy from there. This costs us jobs, forces down our wages and savings rate, and forces the country to borrow heavily. This imbalance has built up to a breaking point. It is past time to face facts and something about it.

Just how much is China undervaluing their currency? Paul Krugman today: “This is the most distortionary exchange rate policy any major nation has ever followed.” Yes, that much. And the result? Krugman says: “And it’s a policy that seriously damages the rest of the world.

A NY Times story yesterday explained how it works,

China buys dollars and other foreign currencies — worth several hundred billion dollars a year — by selling more of its own currency, which then depresses its value. That intervention helped Chinese exports to surge 46 percent in February compared with a year earlier.

This creates a huge, huge — and growing — imbalance. China undercuts everyone else so they can’t afford to manufacture and have to buy things made there instead. Of course, that means China is sitting on massive piles of foreign cash. This is a bubble that grows and grows and grows. Everyone is worried, and it just gets worse.

But China won’t change policies. They are worried that the value of that pile will drop if their currency rate rises. In Pledge to China’s Leaders: You Will Lose Money on Government Bonds Dean Baker writes about why this would be great for us,

The logic is very simple. At the current exchange rate, the United States is running a massive trade deficit. …

This is of course unsustainable. The only way that this deficit can be corrected is by reducing the value of the dollar. …

. . . We should beg them to become unhappy with our fiscal and monetary policies and stop investing in Treasury bonds. The improvement in the trade deficit that will result from the fall in the dollar will create ten times as many jobs as any “jobs bill” that President Obama can possibly get through Congress.

Does all of this cash give China enormous power? In Is China’s Politburo spoiling for a showdown with America? Ambrose Evans-Pritchard writes,

Michael Pettis from Beijing University argues that China’s reserves of $2.4 trillion – arguably $3 trillion – are a sign of weakness, not strength. Only twice before in modern history has a country amassed such a stash equal to 5pc-6pc of global GDP: the US in the 1920s, and Japan in the 1980s. Each time preceeded depression.

The reserves cannot be used internally to support China’s economy. They are dead weight, beyond any level needed for macro-credibility. Indeed, they are the ultimate indictment of China’s dysfunctional strategy, which is to buy $30bn to $40bn of foreign bonds every month to hold down the yuan, refusing to let the economy adjust to trade realities. The result is over-investment in plant, flooding the world with goods at wafer-thin export margins. China’s over-capacity in steel is now greater than Europe’s output.

Change is in the air. The establishment is moving – recognizing that we will have to confront this. Dealing with this currency manipulation is the bipartisan solution that creates 3 milion jobs and costs us nothing. How bipartisan is it? Last Week conservative Pat Buchanan wrote about what he called China’s “disemboweling of America” and I agreed. I wrote,

So, this “free trade” stuff has worked out for us about as well as the “free market” stuff worked out for the economy. Free market and deregulation ideology destroyed the economy. Free trade has destroyed our ability to earn money and recover from the destruction of the economy.

The lesson to learn is if you want more jobs and don’t think we should have so much debt then you want a China to raise the value of its currency against the dollar. America has avoided formally labeling China a currency manipulator and taking appropriate steps, so things continue to get worse. We can’t keep hiding from reality forever. When something is unsustainable it can’t be sustained.

Next month the administration is going to have to change directions. A lot of air will come out of that Chinese currency bubble that was allowed to build up over the past several years, but the result will be a world starting to return to balance — and jobs here.

Help us spread the word about these important stories…

Leave a comment

Taking on China ha,ha,ha .. Don’t mess with America

Taking On China

// <![CDATA[// // <![CDATA[//

Published: March 14, 2010

Tensions are rising over Chinese economic policy, and rightly so: China’s policy of keeping its currency, the renminbi, undervalued has become a significant drag on global economic recovery. Something must be done.

Readers’ Comments

Readers shared their thoughts on this article.

To give you a sense of the problem: Widespread complaints that China was manipulating its currency — selling renminbi and buying foreign currencies, so as to keep the renminbi weak and China’s exports artificially competitive — began around 2003. At that point China was adding about $10 billion a month to its reserves, and in 2003 it ran an overall surplus on its current account — a broad measure of the trade balance — of $46 billion.

Today, China is adding more than $30 billion a month to its $2.4 trillion hoard of reserves. The International Monetary Fund expects China to have a 2010 current surplus of more than $450 billion — 10 times the 2003 figure. This is the most distortionary exchange rate policy any major nation has ever followed.

And it’s a policy that seriously damages the rest of the world. Most of the world’s large economies are stuck in a liquidity trap — deeply depressed, but unable to generate a recovery by cutting interest rates because the relevant rates are already near zero. China, by engineering an unwarranted trade surplus, is in effect imposing an anti-stimulus on these economies, which they can’t offset.

So how should we respond? First of all, the U.S. Treasury Department must stop fudging and obfuscating.

Twice a year, by law, Treasury must issue a report identifying nations that “manipulate the rate of exchange between their currency and the United States dollar for purposes of preventing effective balance of payments adjustments or gaining unfair competitive advantage in international trade.” The law’s intent is clear: the report should be a factual determination, not a policy statement. In practice, however, Treasury has been both unwilling to take action on the renminbi and unwilling to do what the law requires, namely explain to Congress why it isn’t taking action. Instead, it has spent the past six or seven years pretending not to see the obvious.

Will the next report, due April 15, continue this tradition? Stay tuned.

If Treasury does find Chinese currency manipulation, then what? Here, we have to get past a common misunderstanding: the view that the Chinese have us over a barrel, because we don’t dare provoke China into dumping its dollar assets.

What you have to ask is, What would happen if China tried to sell a large share of its U.S. assets? Would interest rates soar? Short-term U.S. interest rates wouldn’t change: they’re being kept near zero by the Fed, which won’t raise rates until the unemployment rate comes down. Long-term rates might rise slightly, but they’re mainly determined by market expectations of future short-term rates. Also, the Fed could offset any interest-rate impact of a Chinese pullback by expanding its own purchases of long-term bonds.

It’s true that if China dumped its U.S. assets the value of the dollar would fall against other major currencies, such as the euro. But that would be a good thing for the United States, since it would make our goods more competitive and reduce our trade deficit. On the other hand, it would be a bad thing for China, which would suffer large losses on its dollar holdings. In short, right now America has China over a barrel, not the other way around.

So we have no reason to fear China. But what should we do?

Some still argue that we must reason gently with China, not confront it. But we’ve been reasoning with China for years, as its surplus ballooned, and gotten nowhere: on Sunday Wen Jiabao, the Chinese prime minister, declared — absurdly — that his nation’s currency is not undervalued. (The Peterson Institute for International Economics estimates that the renminbi is undervalued by between 20 and 40 percent.) And Mr. Wen accused other nations of doing what China actually does, seeking to weaken their currencies “just for the purposes of increasing their own exports.”

But if sweet reason won’t work, what’s the alternative? In 1971 the United States dealt with a similar but much less severe problem of foreign undervaluation by imposing a temporary 10 percent surcharge on imports, which was removed a few months later after Germany, Japan and other nations raised the dollar value of their currencies. At this point, it’s hard to see China changing its policies unless faced with the threat of similar action — except that this time the surcharge would have to be much larger, say 25 percent.

I don’t propose this turn to policy hardball lightly. But Chinese currency policy is adding materially to the world’s economic problems at a time when those problems are already very severe. It’s time to take a stand.

More Articles in Opinion » A version of this article appeared in print on March 15, 2010, on

Leave a comment

The son has returned ?? what Viet Nam want ?

U.S. Officer Revisits His Past in Vietnam

Justin Mott for The New York Times

Cmdr. H. B. Le heading to a welcoming ceremony over the weekend in Da Nang, Vietnam. More Photos

Leave a comment

Viet Nam let us help you together

In February 1972, Richard Nixon along with Kissinger made a historic trip to China. In Beijing on June 22, 1972, Kissinger told Zhou the U.S. acknowledged its North Vietnamese enemy was a “permanent factor” and probably the “strongest entity” in the region. “And we have had no interest in destroying it or even defeating it,” he insisted.

After more than a year of testing to make sure that the messages were right and “sincere,” on January 16, 1974, the Communist China took the advantage of the opportunity and made a move to take over the Paracel Islands in the South China Sea.

While Uncle Sam looked the other way and considered that was a local dispute, the Navy of The Republic of Vietnam made a stand and fought back, repeating an epic episode of Vietnam history. But before reading on the article of Battle For Paracel, let’s take a look at some historical photos below and thank plenty to DINH TRONG VU, VU KHAI CO, TRUONG VAN QUANG, T.NGUYEN, and FRANCOIS B. who have made this page possible and so unique with their contribution of rare VN Navy’s image collection, correction and research.

BATTLE FOR THE PARACEL ISLANDS

Captain Ha  Van Ngac CAPTAIN HA VAN NGAC
RVN NAVY SHIPS PARTICIPATING IN THE BATTLE OF PARACEL
VNN Ship
VNN Ship HQ4 TRAN KHANH DU
VNN Ship
VNN Ship
VNN Ship HQ10 NHAT TAO
VNN Ship
VNN Ship HQ5 TRAN BINH TRONG
VNN Ship
VNN Ship HQ16 LY THUONG KIET

VNN Logo


BATTLE FOR THE PARACEL ISLANDS

…Thirty two years ago, US Navy officers stationed in Vietnam thought that the South Vietnamese Navy should have quietly withdrawn from the Paracels. They never did expect that “Little South Vietnam” would pick a fight with the giant China.

“Why would you engage a superior force with no hope of succeeding?”
Even those who did not directly participate in the battle would answer as follows:

“To defend my country, even to the death. The South Vietnamese Navy was determined to fight. The Paracel Islands were and are a part of Vietnam’s heritage. The Vietnamese vowed to defend it. Our ships exchanged fire with the invaders and fought with all their strength. Many worldwide observers, who at first wondered at our actions, later looked on with admiration at our courage.

A nation’s destiny is in the hands of its own people.”…

By Thomas J. Cutler, Naval Institute Press, Annapolis, MD

A small group of islands named Paracel (Hoang Sa) are located approximately 200 nautical miles due east of Danang. And, although too small to be inhabited by a permanent population, they were never-the-less an important historical and strategic possession of Vietnam. This claim of sovereignty dates back centuries. However, the Peoples Republic of China felt they could displace this claim based upon a proclamation made by them in September 1958, and acknowledged by then North Vietnamese Prime Minister Pham-Van-Dong.
Paracel map

Contradicting this disputed proclamation, the South Vietnamese Government continued to maintain a small weather observation garrison on Pattle Island, the largest island in this group. And no action was initiated by the Peoples Liberation Army (PLA) to displace this presence.

Until January of 1974.

On January 16, after delivering six South Vietnamese Army officers and an American observer to the Paracels for an inspection tour, the former Former USS Bering Strait (AVP-34), WAVP-382/WHEC-382 Bering Strait, now Vietnamese Navy Patrol Cruiser Ly-Thuong-Kiet HQ-16, discovered two Chinese “armored fishing trawlers” were laying off Drummond Island supporting troops from the PLA that had occupied the territory. In addition, Chinese soldiers were observed around a bunker on nearby Duncan Island, with a PLAN landing ship moored directly on the beach.

The CO of HQ-16, CDR Le-Van-Thu, reported his findings back to the regional headquarters in Da Nang, and also sent over 15 people to guard the small island of Money. CDR Thu’s report was routed immediately over to Saigon, where a hastily formed meeting by President Thieu and his cabinet decided to attempt eviction of the PRC forces.

Overnight on January 18, a small South Vietnamese force comprised of Destroyer Escort Tran-Khanh-Du HQ-4 (ex-USS Forster, DER-334) and the Patrol Cruiser Tran-Binh-Trong HQ-5 (USS Chincoteague (AVP-24), USCGC Chincoteague (WAVP-375) (WHEC-375)) were dispatched from the Da Nang area under the overall command of Captain Ha-Van-Ngac. Patrol Craft Nhat-Tao HQ-10 (ex-USS Serene AM-300) which was proceeding to Da Nang for repair of one of her engines, was also diverted to join the small flotilla of VNN ships that was converging on the Paracels.

Hoang Sa Map While waiting for the arrival of the other ships, CDR Thu on HQ-16 landed a team of Vietnamese commandos on Robert Island (Cam Tuyen) to investigate some PRC flags installed on this tiny spit of land. No PLA forces were present on the island, so the naval commandos returned to their ship. However, shortly after their arriving back aboard, two PLAN Kronstad-class guided missle gun boats started churning up the waters in the vivinity of the collection of small islands.

The possibility of peaceful restoration of the islands became highly unlikely.

Permission to attack the intruding PRC forces was transmitted to Captain Ngac later in the day of January 18, with one stipulation: President Thieu wanted the navy to try to “parley” with the Chinese first. Accordingly, the commander of the VNN task force arrayed his ships around Duncan Island during the evening in preparation for a confrontation early on the morning of the 19th.

Meanwhile, two additional PLAN T48-class gunboats arrived in the area. This had the effect of further deterioration to an already very tense situation.

As the tide crested on the following morning, HQ-5 lowered a brace of rubber landing craft over the side, heading for Duncan. Twenty Vietnamese Navy commandos, led by a lieutenant junior grade (Trung Uy), waded through the surf and onto the high ground waving a white flag, indicating a desire to talk. Instead, the larger than expected Chinese ground force began advancing toward the small party from several directions. Captain Ngac ordered a retreat. As the Vietnamese began nudging their boats back into the water, the PLA troops opened fire. The Trung Uy and two of his men fell dead in the raging surf.

The flotilla commander, in direct radio communications with the VNN Headquarters staff in Saigon, requested instructions. After only a short period of deliberations, the word from Saigon was emphatically relayed:

Paracel map “SHOOT!!”

Captain Ngac immediately translated the order into action as his four vessels began moving toward and taking on the two armed trawlers, one landing craft and four missle gunboats with devastating fire. The melee that resulted was fast paced, close in, and deadly. The two groups of ships were some times as close as only 1600 yards as they blasted away at one another. One of the PLAN gunboats (K-274) was sunk outright. And another (T-389) was damaged so badly that it was beached on Duncan and lost. The remaining two PLAN gunboats were also damaged.

But HQ-10 took a direct hit from a surface-to-surface missle and, spewing smoke and fire from her bridge, went dead in the water with her guns silent. HQ-16 also received damage from an errant five inch round from HQ-5 but continued to fight on, scoring additional hits.

A seaman below decks on the Nhat-Tao rushed up to the gun deck to find the gun crew dead and the 40 mm weapon jammed. Although not a gunner’s mate, Seaman (Ha Si) Tay cleared the gun and resumed firing on the PLAN vessels. The Chinese concentrated their firepower on this renewed source of danger, and Tay quickly went down fighting as the fate of his ship became all too evident.

“HQ-10 was going under”
After only thirty-five minutes (10:25 to 11:00 AM), the furious battle was over. Both groups of ships began rapidly pulling away from one another. The PLAN toward Hainan, and the South Vietnamese in the opposite direction toward Da Nang.

As the disengagement took place, word reached Saigon from the Americans that, although the US would not provide assistance in what they deemed to be a local dispute, they did advise that radar reports from US Naval sources indicated that a flight of MIG-21’s had taken off from Hainan headed toward the Paracels, with at least one Chinese Guided Missle Criuser also moving in that direction at high speed.

With this news, and indications of rapidly moving surface radar contacts approaching the area from the north, the only recourse for the Vietnamese was to retire completely. Captain Ngac ordered HQ-4 to escort the crippled HQ-16 back to Da Nang. HQ-5, with the commander of the flotilla on board, would begin an “expanding square” search for survivors from HQ-10.

But even the search effort was abandoned and further emphasis made for all South Vietnamese ships to withdraw as it became increasingly clear that further threats from the PLAN could be expected. Information obtained in later years proved this to be a wise decision, as two PLAN Hainan Class submarines were directed to guard the approaches to the Paracels on October 19.

Therfore, it would not be until several days later that a Dutch tanker and a Vietnamese fishing boat boat pulled only thirty-seven survivors of the sunken Nhat-Tao out of the South China Sea. This from the eighty-two sailors on board HQ-10 when the battle began. Commanding Officer Nguy-Van-Tha was not among those who were rescued, having been killed when when the missle hit the bridge area.

A few days later, the Chinese returned in force to finish the occupation of the entire chain of islands of the Paracels. The Chinese government announced to the world that they had captured forty-eight prisoners, including the one American. These were the garrison forces on Pattle and neighboring Money plus the six ARVN officers that had arrived in the days just before the battle.

Up until today, the Government of North Vietnam has not lodged a formal protest, and the Paracels remain claimed and in the control of the PRC.

Why did the South Vietnamese Navy challenge China with its more powerful fleet?
That seems like a logical question. Perhaps best answered by men who fought there.

From a Vietnamese language article published in 1998:

Twenty four years ago, US Navy officers stationed in Vietnam thought that the South Vietnamese Navy should have quietly withdrawn from the Paracels. They never did expect that “Little South Vietnam” would pick a fight with the giant China. “Why would you engage a superior force with no hope of succeeding?”
Even those who did not directly participate in the battle would answer as follows:

“To defend my country, even to the death. The South Vietnamese Navy was determined to fight. The Paracel Islands were and are a part of Vietnam’s heritage. The Vietnamese vowed to defend it. Our ships exchanged fire with the invaders and fought with all their strength. Many worldwide observers, who at first wondered at our actions, later looked on with admiration at our courage.

A nation’s destiny is in the hands of its own people.”

(Source: VNN Coastal Group 16)

PHOTOS OF THE BATTLE AND AFTERMATH
China's Ships China's Ships  VNN' Naval  Gun Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle
Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle Hoang Sa  Battle Hoang  Sa Battle
Hoang Sa  Battle

VNN crest


A TRIBUTE TO THE NAVY OF THE REPUBLIC OF VIETNAM

By Hai Tran, LT, Vietnamese Navy

On January 19, 1974 this proud Navy fought against the huge Chinese Navy in Hoang Sa (Paracel Islands) archipelagos without any help or support from the U.S. Seventh Fleet. Sailors who abandoned ships scattered to the sea. The U.S. Navy offered no assistance. U.S. Naval Historians have never mentioned a word about this sea battle.

The ill-equipped former DER Foster (VNN HQ 4), with torpedo tubes without torpedoes, long range radar that had been stripped off after changing hand from the US Navy, was all but useless. Former U.S. Coast Guard WHEC craft, with slow 5″ guns, could not get the upper-hand on the high speed Chinese gunboats. The aftermath was VNN PCE (HQ 10) was sunk. Two Chinese gunboats were sunk and some were damaged. The Hoang Sa (Paracel Islands) were lost.

After 1973 the U.S. sharply reduced its support. The VNN had to use its ammunition sparingly. A victory at Tuyen Nhon changed the Viet Cong’s movements towards Saigon. The Viet Cong commander offered millions of dong for Lt. Commander Le Anh Tuan’s head.

On April 1975 Task Force 99 blocked a Viet Cong attack on Saigon from Tay Ninh and alerted a surveillance post for the VNN fleet to evacuate via the Long Tao waterway to safety.

On April 30, 1975, after Duong Van Minh called Republic of Vietnamese Armed forces to surrender, Lt. Commander Le Anh Tuan committed suicide when his river flotilla was ambushed by Russian made T-54 tanks. Many boats were abandoned in Vung Tau and in South Vietnams waterways. Officers and enlisted sailors felt betrayed by their comrades and allies. The only way they could save their miserable lives was to draw close to their families. Sadly, Commander Ha Ngoc Luong killed his wife, children and then committed suicide at the Nha Trang Naval Academy.

After April 30, 1975 some LST crewmen, with AK-47s held behind their backs, trained Viet Cong sailors to run those types of ships. They did so while watching dirty pigs and chickens feeding on the former proud ships decks.

Officers were separated from their families. They had to do duty in forced labor Re-education Camps for years. They tried to escape Vietnam by all possible ways. With their experiences as sea going sailors, many were successful. Some succeeded in reaching free countries and began rebuilding their lives.

The Viet Cong Navy updated the former DER Foster (HQ 4) and began using her as a training ship. They armed WHECs with missiles. Today they are still using some former VNN LST for cargo ships. Their fleet has dozens of gas turbine Petya gun boats with torpedo launchers. The Ukraine is planning on selling them some 2,000 ton Gepard frigates and Molniya missle boats equipped with Moskit supersonic anti-ship missiles under Ukrainian license. Vietnamese shipyards will build these type of ships for Viet Cong Navy.

THE RVN NAVY’S OFFICERS AND ENLISTED SAILORS
VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen
VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen VN NAVY'S  seamen

Ship-icon

Back to “UNTOLD STORIES” main section

Some art works, photos, and articles are properties of their owners, the rest by VNAF MA MN.© Copyright

Leave a comment

China

Chinese navy’s new strategy in action

Recent Chinese naval activity in the South China Sea

Recent Chinese naval activity in the South China Sea

The news from Tokyo on 10 April 2010 that the Japan Maritime Self Defense Force had monitored ten Chinese warships passing 140km south of Okinawa through the Miyako Strait marked a new stage in China’s naval development. The deployment was of unprecedented size and scope for the Chinese navy, and was the second such operation mounted by China in rapid succession: in March, a smaller flotilla had been deployed on exercises. The two sets of exercises, along with Chinese counter-piracy operations in the Gulf of Aden, demonstrate the flexibility of China’s naval forces and their greater prominence in Beijing’s strategic calculations.

The flotilla from the People’s Liberation Army Navy contained some of its most advanced warships, including two Kilo-class diesel-powered attack submarines and at least two Russian-built Sovremenny-class destroyers. The March and April missions were the first of any size beyond the ‘First Island Chain’ the term used by China for the line formed by the Aleutians, the Kuriles, Japan’s archipelago, the Ryukyus, Taiwan, the Philippines and Borneoand indicated that deployments beyond the chain were now official policy, having been discussed by naval officers for some years beforehand.

South China Sea tensions

The timing of the exercises appears to be directly linked to rising tensions in China’s long-running sovereignty disputes over islands in the South China Sea. The current Chinese boundaries for the region first appeared on a survey conducted by the Nationalist Chinese government in 1935, and were retained by the Communist government after 1949. They define as Chinese several island groups including the Paracels (Xisha), the Spratlys (Nansha), the Pratas (Dongsha), Macclesfield Bank (Zhongsha) and Scarborough Shoal (Huangyan Dao). For decades, China has disputed some or all of these islands with Vietnam, Taiwan, the Philippines, Malaysia and Brunei. Mineral, natural-gas and oil deposits are claimed to be at stake, although the absence of independent surveys leaves the extent of these open to question. But this uncertainty has not deterred claimant nations from building military installations on many of the reefs. Currently China has installations on Cuarteron, Fiery Cross, Hughes, Johnson, Mischief, Gaven and Subi reefs. These range from small three-storey buildings with helipads, to facilities capable of acting as a refuelling dock.

The fiercest arguments, which have intensified over the past year, have been between China and Vietnam, which officially claimed the Spratly Islands as a Vietnamese province in 1973. Vietnam occupies 29 of the islands and reefs in the area, while China is in possession of about nine. As the dispute is as much over the surrounding water as the islands, commercial activities such as fishing have evolved in recent years into a strategic issue. Vietnamese and Chinese fishing vessels routinely congregate in the same areas.

In March, China responded to pleas from Chinese fishing vessels off the Spratly Islands that they had been subjected to harassment by the Vietnamese coastguard service. The Yuzheng 311, China’s largest fishery patrol vessel displacing 4,600 tonnes, was dispatched to the South China Sea from Sanya, Hainan Island, on 18 March, accompanied by the 202 patrol vessel. A Chinese news report specifically highlighted the presence of heavy machine guns on board the 311.

On 1 April Vietnamese President Nguyen Minh Triet, escorted by two destroyers, visited the disputed Bach Long Vi (known as Bai Long Wei to China) island, which is located between Haiphong in Vietnam and China’s Hainan Island. Triet announced from the island that Vietnam would ‘not let anyone infringe on our territory, our sea, and islands’. Hanoi formally lodged a protest with Beijing over the seizure of nine fishermen by the Chinese fisheries department on 22 March near the Paracels.

First operation

Meanwhile, China had embarked on the first of what were described in official media as ‘long-range naval exercises’. A flotilla of six ships from the North Sea Fleet had left their base in Qingdao and sailed through the Miyako Strait near Okinawa in three pairs on 18 March, possibly in an attempt to avoid attention. The Japanese destroyer Amagiri reported seeing a Luzhou-class destroyer and a Jiangwei II frigate. Another destroyer, the Asayuki, detected both a Jiangwei II and a Jianghu III frigate. A Chinese tanker and a salvage vessel followed. Prior to the ships passing, a single Chinese KJ-200 airborne warning-and-control system aircraft was tracked by Japanese F-15s as it flew over the strait on 12 March.

A report in the PLA Daily in mid-April described this as a ‘long-distance training exercise’. The official CCTV-7 Military News programme also offered clues as to the nature of the deployment: the deputy commander of the North Sea Fleet stated that ‘China needed to protect its maritime territorial integrity through long-distance naval projection’. The report also showed J-8 fighters providing long-range air cover, and anti-submarine warfare exercises (ASW) being carried out. The flotilla made its presence felt as it travelled through the Miyako Strait and later the Bashi Channel between the Philippines and Taiwan. The ships conducted numerous live-fire exercises, as well as confrontation drills with elements of the South Sea Fleet. The PLA report said the fleet visited Fiery Cross Reef in the Spratly Islands, as well as conducting further exercises near the Malacca Strait between Malaysia and Indonesia. The deployment and exercises were a clear message of the willingness of the PLA Navy to assert Chinese power in the region. The flotilla returned to base in early April.

Second operation

The Japanese were surprised once more when a second task group – consisting of as many as ten ships from the East Sea Fleet, including destroyers, frigates and several auxiliary vessels – sailed through the Miyako Strait on 10 April. Two Kilo-class submarines accompanied the flotilla, surfacing as they passed through the strait in accordance with international law. This time Tokyo decided to go public with the news. The Japanese destroyer Suzunami and surveillance aircraft were dispatched to take pictures of the Chinese flotilla which, rather than passing in pairs, sailed in one large group past Okinawa. The Suzunami was buzzed by a Chinese Ka-28 ASW helicopter, which came within 90 metres of the Japanese warship. By late April the flotilla appeared to have halted east of Taiwan, and was conducting ASW exercises. The halt of its journey southwards seemed to be directly linked to a change in the plight of the Chinese fishing vessels in the Spratly Islands.

When the 311 and 202 Chinese fishery patrol vessels arrived in the Spratly Islands, they found that Chinese fishing boats were surrounded by large numbers of Vietnamese boats. The situation deteriorated after the first naval flotilla returned home as more and more Vietnamese vessels congregated around the Chinese ships. An embedded press reporter on the 311 claimed that on 8 April some 20 boats were encircling the vessel, and by 10 April the number had climbed to 60. They were only 200 metres from the 311, and were photographing the Chinese ships.

The Vietnamese perhaps did not expect further Chinese naval action, since the first flotilla had reached the limits of its endurance after 19 days of sailing over 6,000 nautical miles. However, the report from Japan that the second group of ships had passed through the Miyako Strait had a startling effect on the Vietnamese vessels. The reporter on the 311 described the Chinese sailors’ amazement as every single Vietnamese vessel vanished from the area on 12 April.

It appears that news of the second Chinese flotilla surprised the Vietnamese. Moreover, the decision to sail through the Miyako Strait without any of the caution displayed previously may have been intended to produce as much publicity as possible in order to send a warning to the Vietnamese boats surrounding the stranded 311. Once the Vietnamese vessels withdrew, the Chinese group halted its move south and began conducting ad hoc exercises.

Evolving naval policy

The operations were a testament to the modernisation of the PLA Navy over the past decade. They would not have been possible if it were not for the continued focus on long-range projection exercises that has dominated its training for the past decade. The Chinese decision in December 2008 to join the international anti-piracy operation in the Gulf of Aden has led to Chinese naval ships using some of the world’s main maritime routes more often. For some Southeast Asian countries, the recent operations represent an attempt by China to set a precedent for the establishment of a long-term naval presence in the region. The navy’s strategy of continued expansion, including an aircraft carrier – refurbishment of the former Ukrainian carrier Varyag is under way – and new submarines, has also been a concern for China’s neighbours. In 2009, Vietnam responded by ordering six Russian Kilo-class attack submarines.

It is clear that the PLA Navy is beginning to take on a much more prominent role in Chinese foreign policy. At its 60th Anniversary Review in 2009, President Hu Jintao said that it had reached a new ‘historical starting point’. Five years earlier, Hu had set out the PLA’s ‘historical mission’ for the future: to consolidate the ruling status of the Communist Party; to help ensure China’s sovereignty, territorial integrity and domestic security; to safeguard China’s expanding national interests; and to help maintain world peace. Clear indications that a new policy had been officially adopted came when naval officers made ‘proposals’ to the National People’s Congress in 2009 and 2010.

Reach and flexibility

Underlining the results of the change of naval strategy, no less than 19 warships, including three returning from anti-piracy operations off Somalia, passed through the disputed islands in the South China Sea in March and April. Japanese Defense Minister Toshimi Kitazawa described this activity as an ‘unprecedented situation’.

Most significant has been the PLA Navy’s demonstration of its ability to organise and conduct far-ranging operations with a wide array of platforms. This indicates an increase in command-and-control abilities, as well as improved coordination between the navy’s different fleets. Although the East Sea Fleet was favoured by former president Jiang Zemin as a priority force in dealing with the Taiwan issue (such as the 1996 Taiwan Strait Crisis), neither it nor the North Sea Fleet have previously been involved in deployments in the South China Sea. During Hu’s presidency, the South Sea Fleet has been radically modernised and has usually been the main force used by China to assert its maritime sovereignty.

This new flexibility signals a considerable change in the navy’s strategic thinking. The interoperability and mutual support between the three fleets marks a shift towards a consolidated central command and away from the out-of-date system of having three independently operating fleets. It shows that the navy is willing and able to break through the First Island Chain and into the Pacific – a substantial change from previous doctrine. The new focus is now on ‘long-range maritime training’ in order to ‘protect national maritime sovereignty’. Senior PLA Navy officers have also called for the ‘formation and [maintenance] of lasting long-range combat capabilities’.

Significant progress has been made towards achieving China’s objective of building a fully fledged blue-water navy by 2050. Substantial new funding has allowed it to evolve rapidly from a coastal defence force to a navy capable of limited power projection. The completion of the Varyag, due in 2012, will further extend its ability to project power by providing valuable training for a future indigenously designed carrier force.

For the region, the strategic implications will be complex. Vietnam and other Southeast Asian countries will have to contend with a more assertive China in the Paracel and Spratly Islands. Japan and other countries will have to get used to Chinese flotillas moving more frequently into the Pacific. However, its primary focus will be on preserving territorial integrity rather than on aggressive expansion.

Leave a comment

Viet Nam must change social, ecomomy, military to meet the 21st threat

Vietnam’s guarded US embrace
By The Hanoist

Fifteen years after normalizing diplomatic relations, military cooperation between the United States and Vietnam is evolving bit by bit.

Both sides would like to counter China’s military buildup and historic desire to dominate the region – including the strategic South China Sea where a quarter of the world’s trade transits and where Vietnam, China and other countries contest two island chains believed to contain rich mineral deposits.

While US motives are relatively clear – to deepen contacts with the Vietnamese military and establish areas of cooperation – the Hanoi side is often tied up in knots on how and whether to partner strategically with Washington, its former war adversary.

On one hand Vietnam enjoys high-level attention from the US. In

// <![CDATA[// <![CDATA[
//<![CDATA[
var m3_u = (location.protocol=='https:'?'https://asianmedia.com/GAAN/www/delivery/ajs.php&#039;:'http://asianmedia.com/GAAN/www/delivery/ajs.php&#039;);
var m3_r = Math.floor(Math.random()*99999999999);
if (!document.MAX_used) document.MAX_used = ',';
document.write ("”);
//
// ]]>


October 2008, the two countries initiated an annual security meeting held at the assistant secretary-vice minister level. Referred to officially as “political-military talks” by the US, Vietnamese diplomats advertise the event as a “strategic dialogue”, referred to locally as doi thoai chien luoc.

According to a diplomat in attendance, Ambassador Le Cong Phung made the first public announcement of the dialogue while speaking at a Vietnamese embassy function in Washington a month prior, to the surprise of some American guests.

But there are also Vietnamese concerns over the appearance of too close a military relationship. Since 2003, American warships have docked in Vietnam to conduct a range of military-diplomatic exchanges. While welcoming these highly symbolic visits by the US Navy, Vietnam initially limited port calls to one a year and ensured that the Chinese navy enjoyed equal docking rights.

The desire to placate China is reflected in a gamut of policies, from how activities with the US are disclosed in the state-controlled media, to the habit of sending high-level delegations to China coincident with any high-level visit to the US.

In March, a US naval supply ship quietly spent 16 days at Vietnam’s newly completed Van Phong port located in strategic Cam Ranh Bay. This famed deep-water harbor was originally built by the Americans during the Vietnam War and after the communist takeover became a key base for the Soviet Union’s Pacific Fleet. The recent port call by the USNS Richard E Byrd was not publicly announced, but the purpose of the visit was supposedly for repairs and resupply under a new comprehensive agreement for logistical support.

In December 2009, General Phung Quang Thanh became just the second post-war Vietnamese Minister of Defense to visit Washington. True to form, senior Defense Ministry delegations went to China before and after General Thanh’s US visit. This deference to Beijing is reflected in a recent Hanoi white paper on defense policy where territorial disputes with its northern neighbor China are downplayed.

Overall, warming US-Vietnam ties have generated actual and promised results. Vietnam has been invited to observe US military exercises with regional allies, including Thailand. There is also discussion of joint search and rescue operations off Vietnam’s coast and of the US training Vietnamese peacekeepers for international United Nations-led missions.

Vietnamese staff officers have also been offered participation in International Military and Education Training (IMET), the American program for developing ties with future military leaders. While none of the exchanges is particularly significant in isolation, each activity represents further cooperation between Hanoi and Washington and facilitates an active US naval presence in the South China Sea.

Friend or friendemy?
Although relations with the US have advanced on many fronts, there is nevertheless a deep ambivalence in Hanoi on proceeding further. And it is just not about sensitivity to China’s feelings. Many in Vietnam’s leadership dread “peaceful evolution,” code for closer ties to the US unleashing forces of political liberalization that the ruling communist party cannot control.

This paranoia is manifested in various ways. Earlier this month, the Vietnamese government refused to grant a visa to US congresswoman Loretta Sanchez, a senior member on the House Armed Services Committee and staunch human rights defender. According to a statement by Sanchez, Vietnam was worried she would highlight the government’s well-chronicled and ongoing rights abuses.

The suspicions are sometimes personal. In the fall of 2008, Hanoi would not allow the current US military attache to serve at the US embassy because of his ancestry. Born in Vietnam, Colonel Patrick Reardon was adopted by an American family as a toddler. Vietnamese authorities are known to remain suspicious of overseas Vietnamese, particularly those with political influence.

The deep-seated paranoia also affects decision-making at the highest level. Defense Minister Phung Quang Thanh’s trip to the US last December was reportedly postponed twice. According to a Vietnamese source, there were differences in the party politburo over the goals of the visit.

While the defense minister is seen as pro-Western, others within the communist leadership – such as first deputy Defense Minister General Nguyen Chi Vinh – rely on Beijing as a political hedge and are wary of closer ties with the US. The conflicting worldview is reflected in a popular saying now making the rounds in Vietnam: “Too close to China and lose the country. Too close to America and lose the party.”

Such is the dilemma in which Vietnam’s communist leaders now find themselves. Who knows what the captains and colonels of the People’s Army of Vietnam might learn when they attend US staff colleges? While there is momentum for increased US-Vietnam military cooperation, expect ties to cycle hot and cold.

The Hanoist writes on Vietnam’s politics and people.

(Copyright 2010 Asia Times Online (Holdings) Ltd. All rights reserved. Please contact us about sales, syndication and

Leave a comment

Viet Nam modernization of Navy and air force now

Air Force-Navy team may counter China threat

By Bruce Rolfsen – Staff writer
Posted : Wednesday May 26, 2010 7:13:24 EDT

A new major strategy under construction at the Pentagon calls for the Air Force and Navy to cooperate in ways they never have before, such as Navy surface ships defending Air Force bases against missile attacks and Air Force bombers laying mines.

Called Air-Sea Battle, the military doctrine is being researched and developed by about a dozen colonels from the Air Force, Navy and Marine Corps, with input from joint combatant commands.

The colonels are scheduled to give Air Force and Navy commanders an early look at their work May 27 at the Navy/Air Force war fighters conference in Washington.

Lawmakers and defense experts got their chance to learn more about the concept May 18 at a briefing by four analysts from the Center for Strategic and Budgetary Assessments, an independent, nonpartisan think tank for national security policy.

The analysts said that Air-Sea Battle is a viable option to the rising threat of China but will be a challenge to implement for many reasons, including shrinking budgets, stubborn service cultures and a long-term focus on ground insurgency.

“Unless offsetting actions are taken, the strategic balance in the Western Pacific will become unfavorable and unstable,” said Andrew Krepinevich, the center’s president.

Included in the analysts’ 123-page study is an example of how the Air Force and Navy would use Air-Sea Battle to counter an attack by China on Taiwan.

Air Force land bases in Japan, South Korea and Guam would be highly vulnerable to Chinese attacks, for example, so the Navy’s Aegis ballistic missile defense ships might be tasked with defending them in the early days of a war. Navy submarines would be given so many important assignments — from surveillance to launching cruise missile strikes — that Air Force bombers might take up the slack of subs’ traditional jobs, including attacking surface targets and laying mines to try to bottle up the Chinese fleet.

The analysts conceded it would be difficult for leaders in the Pentagon to make the policy changes and spending decisions necessary to put the U.S. on the footing called for by Air-Sea Battle planners.

On the fiscal side, Congress would have to fund a variety of new weapons systems and construction projects, including a new long-range bomber, a new anti-ship missile, hangars and runways able to withstand missile attacks and expansion of alternative airfields on small Pacific islands such as Tinian and Saipan.

“This isn’t something we’re going to pop into the budget next year,” analyst Mark Gunzinger said. “This is going to take a couple decades of defense spending.”

The cultural obstacles probably would be tougher to overcome: The services will not want to surrender some missions, such as the Navy’s claim to maritime surveillance, or share aircraft other than the new Joint Strike Fighter or the unmanned Global Hawk.

And there is a philosophical debate for the Pentagon: ground-based counterinsurgency versus air and naval strategy.

The focus of Defense Department and independent planners today is ground-based counterinsurgency — Defense Secretary Robert Gates has struggled to pull the Pentagon’s attention away from major-war thinking and toward the war in Afghanistan. Air-Sea Battle, with its explicit emphasis on World War III in the Pacific, runs counter to “hybrid war,” “balance” and the Pentagon’s other latest buzzwords.

Some of the Center for Strategic and Budgetary Assessments analysts’ suggestions are things the services already do, such as having Air Force tankers refuel Navy fighter jets and Air Force tactical air controllers guide in Navy strikes, pointed out Lt. Gen. Philip Breedlove, the Air Staff’s director of operations and one of the officers overseeing the development of Air-Sea Battle.

Breedlove complimented both services on working well together already, yet made a point to highlight their distinct capabilities.

“Clearly an aircraft carrier brings access to places where we [Air Force] have problems getting land-based air, sometimes,” Breedlove said. “Clearly, land-based air brings the ability to generate mass sorties. … That is harder to generate from a carrier.”

Breedlove compared Air-Sea Battle, a collaborative effort by Chief of Staff Gen. Norton Schwartz and Chief of Naval Operations Adm. Gary Roughead, to the Air-Land Battle hammered out by the Air Force and Army in the 1980s.

The Air-Land practices, put in place to turn back a Soviet invasion of Western Europe, proved effective in Operation Desert Storm in late 1990 and early 1991 and in Afghanistan and Iraq today, said Breedlove, who as an F-16 pilot spent seven years based in Europe, including two as air liaison officer with the 3rd Infantry Division.

“I embrace Air-Sea because I am truly a product of where Air-Land Battle took the Air Force and the Army,” he sai

Leave a comment